VHO - Thời gian gần đây,ấtthườngnhữngphiênđấugiáđấlich.bong.da.ngoai.hang.anh thông tin những lô đất đấu giá trên địa bàn Hà Nội được trả giá “trên trời”, thậm chí có người trả đến 30 tỉ đồng/m2 và sau đó bỏ cuộc khiến dư luận “sốc”. Tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ ngang gây “méo mó” thị trường bất động sản, gây nhiễu loạn thông tin. Nhiều người đang coi đấu giá như một trò đùa?
Ngày 30.11, 22 lô đất tại xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai (Hà Nội) được đưa đấu giá. Sau nhiều vòng đấu giá, giá được đẩy cao nhất khoảng 70 triệu đồng/m2, nhưng do khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên các lô đất đấu giá đều không thành công.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, những người tham gia đấu giá nhiều vòng đa phần là của các văn phòng nhà đất. Việc đấu giá không thành công 22 lô đất ngày 30.11 sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách của huyện và mất thời gian, tốn chi phí để tổ chức đấu giá lại. Tuy nhiên ngày 29.11, tại buổi đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), 3 lô đất được trả giá lên tới trên 30 tỉ đồng/m2 rồi sau đỏ bỏ cọc khiến dư luận không chỉ gây xôn xao mà còn bức xúc với hành vi “phá” đấu giá, coi việc đấu giá như một trò đùa. Tại phiên đấu giá này, các thửa đất được đem ra đấu giá có diện tích từ 90 - 224m2, giá khởi điểm là 2,4 triệu đồng/m2, đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp theo hình thức đấu tối đa 6 vòng bắt buộc, mỗi bước giá là 3 triệu đồng/m². Tiền đặt trước đấu giá từng thửa đất bằng 20% giá trị thửa đất đấu giá theo giá khởi điểm đã được phê duyệt. Cuộc đấu này thu hút 285 khách hàng với khoảng 1.000 hồ sơ tham gia.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn, tại vòng 5, có một số thửa đất được khách hàng trả giá cao bất thường với mức giá từ 50,4 triệu đồng - 101,4 triệu đồng/ m2. Đặc biệt, trường hợp ông Phạm Ngọc T. trả giá 30 tỉ đồng/ m2 cho 3 thửa đất. Tại vòng 6 (vòng cuối cùng), có 36 thửa đất khách hàng không trả giá dẫn đến những thửa đất này đấu giá không thành. Kết thúc buổi đấu giá, chỉ có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công, giá trúng thấp nhất là 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất là 50,4 triệu đồng/m2. Ngay sau đó, UBND huyện Sóc Sơn đã giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm khách hàng trả giá bất thường.
Từ tháng 8 tới nay, các phiên đấu giá đất tại Hà Nội khiến dư luận “sốc” vì mức giá cao đột biến. Tại huyện Hoài Đức hay huyện Thanh Oai giá đất trúng đều vượt 100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, có tới 55 trường hợp trúng đấu giá ở huyện Thanh Oai đã bỏ cọc khi đến hạn nộp tiền. Sau buổi đấu giá ngày 29.11 tại huyện Sóc Sơn, người đã đưa ra mức giá 30 tỉ đồng/m2 cho 3 thửa đất rồi bỏ cuộc là ông Phạm Ngọc T. (33 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, trả giá “trên trời” đó vì “nhầm lẫn” và không có ý phá hoại buổi đấu giá. Thời gian gần đây, tại Hà Nội, tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ ngang khi đấu giá đất là hiện tượng không hiếm gặp. Việc này không chỉ khiến thị trường bất động sản nhiễu loạn thông tin, làm “méo mó” về giá đất, các cơ quan tổ chức đấu giá mất thời gian, công sức, tiền của tổ chức đấu giá lại…
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc tham gia đấu giá đất và trả với mức giá “trên trời” có thể gây lũng đoạn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu xác định được hành vi gây lũng đoạn hoặc đầu cơ bất động sản thì hiện pháp luật chưa có quy định, chế tài xử lý. Theo ông Đính, hiện giá khởi điểm đất đấu giá xác định thấp dẫn tới tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá ít. Theo đó, nhiều nhóm đầu cơ bất động sản chấp nhận bỏ số tiền rất thấp đặt cọc để tham gia với mục đích trúng sẽ bán chênh hoặc đẩy giá thị trường khu vực. Do đó, cần xem xét cho phép các địa phương thuê đơn vị tư vấn để xác định giá khởi điểm sát với thị trường từ đó, tiền đặt cọc trước sẽ cao hơn khiến các nhóm đầu cơ nhụt chí không tham gia. Bên cạnh đó, cần xác minh, làm rõ năng lực tài chính của người tham gia đấu giá. Việc này tránh trường hợp các nhóm đầu cơ tham gia đấu giá đất gây lũng đoạn, thổi phồng thị trường bất động sản, tham gia đấu giá rất nhiều lô đất với mục đích chờ bán chênh.
Luật Đấu giá tài sản 2024 sửa đổi, tại Điều 70 đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá. Cụ thể, trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, quy định này đến ngày 1.1.2025 mới có hiệu lực và cũng chỉ áp dụng cho trường hợp người đấu giá làm dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản. Điều này cho thấy những bất cập, lỗ hổng pháp lý hiện nay trong đấu giá đất. Hiện chưa có quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu dẫn đến phiên tổ chức thất bại. “Vống giá”, đẩy giá cao và bỏ ngang thì cơ quan chức năng mới chỉ xử lý đến khoản tiền đặt trước của người đấu giá. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng bổ sung các quy định, chế tài hành chính, hình sự với các hành vi này.
Cuối tháng 8, khi một số trường hợp trúng với giá cao gấp nhiều lần khởi điểm, có dấu hiệu bất thường, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Một số huyện như Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức... cũng đã chủ động dừng các phiên đấu giá để rà soát lại quy trình, thủ tục pháp lý. Sắp tới đây, từ ngày 7 - 21.12, 94 lô đất tại các huyện vùng ven Hà Nội được mang ra đấu giá tại các huyện Mỹ Đức, Mê Linh, Thanh Oai, giá khởi điểm từ 1,1 triệu đồng/m2. Nhiều người đang chờ xem diễn biến những phiên đấu giá này như thế nào. Liệu có tái diễn tình trạng thổi giá lên cao rồi bỏ cọc bất ngờ?