Đây là nhận định của PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Thưa bà, số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 2 tháng đầu năm, nhiều chỉ số về kinh tế vĩ mô đã có những tín hiệu khởi sắc, điều này liệu có thể kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ lạc quan ngay từ quý I/2021?
Bà Đỗ Hoài Linh:Ngân hàng (NH) là trung gian tài chính, hoạt động NH liên quan mật thiết với mọi biến động của doanh nghiệp (DN), cá nhân trong nền kinh tế. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng NH chỉ có thể đạt được khi nền kinh tế có nhu cầu và có khả năng hấp thụ những dòng vốn tín dụng đó.
Bà Đỗ Hoài Linh |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù đợt tái bùng phát dịch Covid-19 xảy ra ngay trước Tết Nguyên đán, nhưng kinh tế 2 tháng đầu năm 2021 vẫn diến biến rất tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49%, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 2 đạt trên 8.000 DN, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7.300 DN trong các tháng Tết giai đoạn 2016 – 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm xuất siêu 1,29 tỷ USD… Các chỉ số trên báo hiệu những tín hiệu khởi sắc nhiều lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam cả năm 2021.
Cùng với đó là những tín hiệu khả quan như việc vắc-xin phòng Covid-19 đã được đưa vào cung cấp, kênh huy động vốn của DN có dấu hiệu chuyển dịch từ trái phiếu DN sang tín dụng NH và mảng tín dụng tiêu dùng cũng đang dần phục hồi… Với tất cả những yếu tố trên, tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng quý I/2021 có thể đạt được ở mức 3 – 4% như chỉ tiêu NH Nhà nước (NHNN) đã giao.
Nếu những diễn biến tích cực này vẫn được duy trì trên cả hai phương diện là phòng chống dịch hiệu quả và duy trì tăng trưởng kinh tế, thì các quý cuối năm 2021 tăng trưởng tín dụng theo tôi sẽ cao hơn mức mục tiêu bình quân 3 - 4%/quý mà NHNN đã đặt ra, vì quy luật tăng mạnh nhu cầu vay vốn của DN và cá nhân trong các tháng cuối năm sẽ không là ngoại lệ với năm 2021. Theo đó, tôi cho rằng, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống năm 2021 có thể đạt 13 – 14%, cao hơn mục tiêu 12% mà NHNN đã đặt ra.
PV: Theo một kết quả điều tra từ các tổ chức tín dụng của NHNN công bố hồi tháng 12/2020, dự kiến 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2021, các tổ chức tín dụng sẽ “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng đối với một số nhóm khách hàng (như nhóm DN nhỏ và vừa, khách hàng các lĩnh vựu ưu tiên). Bà đánh giá như thế nào về động thái này của các NH?
Bà Đỗ Hoài Linh:Theo số liệu thống kê, trong tổng số khoảng 750 nghìn DN đang hoạt động thì có đến hơn 60% là DN có quy mô siêu nhỏ, với đặc điểm chủ yếu là năng lực quản lý điều hành hạn chế, trang thiết bị lạc hậu, vốn và nhân lực cho việc áp dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất và chất lượng chưa cao. Do vậy, kênh dẫn vốn chủ yếu của nhóm đối tượng này vẫn là tín dụng NH, 2 kênh dẫn vốn còn lại là cổ phiếu và trái phiếu rất khó tiếp cận với nhóm DN này. Vì thế, việc các NH “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng với những nhóm khách hàng trong lĩnh vực ưu tiên, khách hàng DN vừa và nhỏ trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh hiện nay là điều tất yếu phải làm.
Tuy nhiên, nguồn vốn mà NH cấp tín dụng bản chất đến từ tiền gửi của khách hàng nên NH không thể thoải mái nới lỏng các quy định chặt chẽ trong hoạt động cấp tín dụng, NH có nhiệm vụ phải bảo đảm những đồng vốn cho vay ra đáp ứng được 3 tiêu chí là an toàn, khả thi và sinh lời. Do đó, chúng ta phải hiểu đây không phải là nới lỏng toàn bộ các quy định trong hoạt động cho vay, mà sẽ là giảm thắt chặt một số tiêu chuẩn hoặc thủ tục, đặc biệt là các tiêu chuẩn tài sản bảo đảm, từ đó tăng khả năng tiếp cận vốn vay với những khách hàng có khả năng sử dụng đồng vốn vay vào sản xuất kinh doanh và có khả năng trả nợ cho NH.
PV: Về mặt bằng lãi suất, bà dự báo như thế nào trong năm 2021?
Bà Đỗ Hoài Linh:Lãi suất là giá cả của vốn, thể hiện mối quan hệ giữa cung - cầu về vốn trên thị trường. Hiện tại thanh khoản của toàn thị trường khá dồi dào cho thấy nguồn cung vốn đang dư thừa, cùng với đó là các chính sách nới lỏng về tài khóa và tiền tệ để phục hồi nền kinh tế sẽ dẫn đến lãi suất đầu vào và đầu ra giảm là tất yếu. Ngoài ra, các mức lãi suất điều hành, lãi suất trên thị trường liên NH cũng ghi nhận mức giảm đáng kể.
Do đó theo tôi, xu hướng giảm sẽ diễn ra trong cả năm 2021, tuy nhiên mức độ giảm tại những thời điểm khác nhau cũng khác nhau, vì nó sẽ phụ thuộc vào các yếu tố tác động tới lực cung - cầu về vốn trên thị trường. Dự báo, trong năm 2021 mức độ giảm của mặt bằng lãi suất sẽ không cao như trong năm 2020.
PV: Xin cảm ơn bà!
Giám sát để dòng vốn nới lỏng chảy vào đúng chỗ Theo bà Đỗ Hoài Linh, năm 2020 có sự bùng nổ tham gia vào thị trường chứng khoán với dòng vốn lớn của các nhà đầu tư cũ và mới, đặc biệt khi tăng trưởng tín dụng lớn hơn 2,5 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP thì những quan ngại về việc một phần dòng vốn tín dụng đã được chảy vào các khu vực phi sản xuất trong đó có chứng khoán, bất động sản… là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, để bảm đảm việc nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng thực sự đạt được mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp phục hồi, các cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo các ngân hàng cần phải giám sát và can thiệp kịp thời để những dòng vốn nới lỏng được chảy vào đúng chỗ, hạn chế khả năng tạo “bong bóng” chứng khoán, bất động sản. |
Diệu Thiện (thực hiện)