BP - Theđưaluậtvagraveocuộcsốbxh giải ngao quy định tại Quyết định số 753, ngày 31-3-2017 của UBND tỉnh về biểu đánh giá 19 tiêu chí nông thôn mới, đối với tiêu chí số 18 về xây dựng hệ thống tổ chức chính trị vững mạnh, đòi hỏi xã phải đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định. Để đạt chuẩn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân phải hiểu biết những quy định của pháp luật, trong khi những vấn đề liên quan đến pháp luật có phạm vi rất rộng, nội dung thường khô khan, khó nhớ, khó tiếp thu. Nhằm góp phần chia sẻ những khó khăn với các xã, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước vừa có đợt phổ biến, tư vấn pháp luật lưu động tại 10 xã vùng sâu, xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện: Phú Riềng, Bù Đăng, Hớn Quản và Đồng Phú. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần đưa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống. Bám sát hơi thở cuộc sống Trong đợt phổ biến, tư vấn pháp luật lưu động lần này tại địa bàn các huyện, luật gia Phạm Đình Tiệm, Trưởng ban xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội Luật gia tỉnh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và các tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh đã phổ biến, tư vấn chi tiết về Luật Trẻ em, chuyên mục “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản từ Điều 158 đến Điều 273 của Bộ luật Dân sự”. “Sở dĩ những vấn đề này được ưu tiên tư vấn, phổ biến vì thời gian gần đây, nhiều vụ việc có liên quan đã xảy ra tại các địa bàn. Trong khi người dân, kể cả công chức, viên chức vẫn còn mơ hồ, thờ ơ” - luật gia Phạm Đình Tiệm khẳng định. Người dân lắng nghe, trao đổi ý kiến với các luật gia tại buổi tư vấn, phổ biến pháp luật lưu động Ông Vũ Quang Đông, ngụ thôn 3, xã Long Bình (Phú Riềng) tham dự buổi tư vấn, cho biết: Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tìm kiếm thông tin gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông và trên mạng là không khó, nhưng được trực tiếp nghe các luật sư phổ biến nội dung trọng tâm của luật, đồng thời được giải đáp tường tận, chi tiết các vấn đề mình quan tâm vẫn là cách tiếp cận pháp luật tốt nhất, dễ nhớ, dễ tiếp thu nhất. Còn bà Vương Thị Kim Hương, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 5, xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) cho rằng: “Dự buổi tư vấn pháp luật trực tiếp, bản thân nắm bắt được nhiều kiến thức, nhất là quyền của trẻ em, quyền sở hữu về tài sản, được cấp tài liệu, các văn bản luật liên quan nên khi về tôi sẽ phổ biến lại cho người dân biết để thực hiện”. Chọn địa bàn “có vấn đề” Trong số 10 xã mà Hội Luật gia tỉnh chọn tư vấn, phổ biến pháp luật đợt 1/2018 này, thiết thực và ý nghĩa nhất có lẽ là tổ chức tại xã Long Hà (Phú Riềng). Từ lâu, Long Hà được biết đến là nơi có nhiều phức tạp về an ninh trật tự, tuy nhiên hiện nay tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Vũ Văn Dương, công chức tư pháp, hộ tịch xã cho biết, việc nâng cao hiểu biết, chấp hành pháp luật cho người dân thông qua những buổi tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật trực tiếp rất thiết thực, bổ ích. Qua đó, mọi người có cơ hội nắm bắt đầy đủ, nhận thức sâu sắc hơn về các quy định của luật. Từ đó nâng cao ý thức tự giác, chấp hành luật pháp, hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội. Trong đợt tư vấn, phổ biến pháp luật lần này, Hội Luật gia tỉnh đã chọn xã An Khương (Hớn Quản). Đây là xã vùng sâu, có hơn 62% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số và phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2018. Tuy nhiên, nhận thức, hiểu biết về pháp luật nói chung, Luật Trẻ em và các nội dung liên quan đến “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản từ Điều 158 đến Điều 273 của Bộ luật Dân sự” nói riêng của người dân trong xã còn hạn chế. Đợt tư vấn, phổ biến pháp luật là cơ hội giúp bồi đắp vào khoảng trống đó. “Cùng với sự hỗ trợ, đầu tư nhiều nguồn lực của các cấp, ngành, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động được Hội Luật gia tỉnh ưu tiên triển khai đã thật sự mang lại nhiều ý nghĩa cho cán bộ, người dân xã An Khương, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 18 để xã về đích nông thôn mới đúng kế hoạch vào cuối năm nay” - ông Nguyễn Duy Tâm, Phó chủ tịch UBND xã An Khương nói. Yêu cầu đặt ra từ cơ sở Tuy đã được công nhận xã nông thôn mới năm 2017 nhưng Tân Lợi (Đồng Phú) là xã vùng sâu, xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế. Dẫu biết rằng hoạt động tư vấn, phổ biến pháp luật lưu động của Hội Luật gia tỉnh là rất thiết thực nhưng điều đáng buồn là số người tham gia buổi tư vấn rất khiêm tốn, chủ yếu là cán bộ, công chức xã; người dân hầu như không có. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng là khâu tổ chức, tuyên truyền, vận động của xã chưa đến nơi đến chốn; người dân vẫn nặng tâm lý, nhắc đến luật là nghĩ ngay đến những vấn đề lý luận, khó, khô nên không mặn mà, không tích cực tham gia. Chỉ đợi đến khi nào có những sự vụ, sự việc liên quan, người dân mới tìm đến cơ quan bảo vệ pháp luật, phải tốn kém nhiều chi phí và chuyện cũng đã rồi. Do vậy, việc đổi mới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi bên liên quan, nhất là đổi mới phương thức tuyên truyền, tiếp cận pháp luật của người dân, làm cho các buổi tư vấn, phổ biến pháp luật ngày càng thực chất, lôi cuốn hơn là vấn đề hết sức cần thiết, góp phần đưa luật vào cuộc sống nhanh nhất, có hiệu quả nhất. Trong quá trình triển khai, cùng với việc lắng nghe, tiếp thu các quy định của pháp luật, cán bộ và nhân dân tại những xã được phổ biến, tư vấn pháp luật đã tham gia nhiều ý kiến và được các luật sư tư vấn, giải thích cặn kẽ. Tuy nhiên, theo kiến nghị của nhiều người, thời gian tới, nếu có thêm điều kiện, Hội Luật gia tỉnh cần duy trì, tiếp tục quan tâm tư vấn, phổ biến rộng rãi hơn nữa các luật liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân tại địa phương, nhất là Luật đất đai năm 2013, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Thương mại... Bà Lê Thị Tiên, Chủ tịch UBMTTQVN xã Long Bình (Phú Riềng) và ông Hà Văn Tự, cựu chiến binh xã Thanh An (Hớn Quản) cho rằng, nếu hoạt động trợ giúp, tư vấn pháp lý trực tiếp được tăng cường thường xuyên sẽ góp phần hạn chế tối đa tình trạng vi phạm pháp luật cũng như khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Công tác tư vấn, phổ biến pháp luật lưu động của Hội Luật gia tỉnh đã trở thành hoạt động hằng năm, là cách cụ thể hóa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa luật này đi vào thực tiễn cuộc sống. Đây là hoạt động hữu ích, thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, nhất là đối với người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giúp các xã thực hiện hiệu quả tiêu chí số 18 về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, mỗi dịp triển khai, phổ biến, Hội Luật gia tỉnh lại có dịp được lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị người dân quan tâm, gửi gắm, qua đó góp phần giúp những người “cầm cân nảy mực” làm tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, thượng tôn pháp luật, mọi người sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật quy định. Quốc Phong |