Cuối tuần qua,ơitừtrênmâkèo nhà cái dự đoán Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố báo cáo tài chính quý 4/2013. Sau những đồn đoán, cú rơi đã chính thức xuất hiện.
Một trời một vực
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế quý 4/2013 của Eximbank lỗ tới 328,1 tỷ đồng, kéo lợi nhuận trước thuế cả năm 2013 xuống chỉ còn 827 tỷ đồng.
Trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam, một mẫu hình phát triển và hiệu quả những năm 2009 - 2011 đã có thay đổi lớn. Một sự thay đổi có lẽ còn vượt quá cả những tính toán xấu nhất của Hội đồng Quản trị và Ban lãnh đạo.
Đầu năm 2013, Eximbank đặt chỉ tiêu 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Thông thường, đây là một chỉ tiêu an toàn, đã bao hàm những yếu tố rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động; đặc biệt, nó bao hàm cả tính dự báo, được đặt ra thận trọng hơn sau khi các ngân hàng trải qua năm 2012 với nhiều khó khăn.
Được biết, con số 3.200 tỷ đồng đó là kết quả “đấu tranh” của Ban điều hành với Hội đồng Quản trị, bởi trước khi chốt chỉ tiêu này Hội đồng Quản trị còn tham vọng hơn (?).
Sau hiện tượng Techcombank, cú rơi tiếp tục xẩy ra với một thành viên từng nhiều năm ở nhóm dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần về tốc độ phát triển và hiệu quả hoạt động. Với Eximbank, cú rơi sâu và sốc hơn. 827 tỷ đồng so với chỉ tiêu 3.200 tỷ đồng, một trời một vực, hay so với kết quả 2.851 tỷ đồng năm 2012 và trước nữa là 4.056 tỷ đồng năm 2011.
Đến thời điểm này, trên cơ sở các thành viên đã công bố thông tin, đây là trường hợp có tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận thấp nhất, chỉ đạt chưa đầy 26% kế hoạch.
Như trên, chỉ tiêu đặt ra thường được các ngân hàng tính toán chặt chẽ, có yếu tố dự báo thận trọng. Thế nhưng, hai tháng trước khi năm 2013 khép lại, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank vẫn “ở trên mây” khi trấn an rằng, lợi nhuận cả năm sẽ phấn đấu ở mức 1.600 tỷ đồng. Với kết quả vừa công bố, tính toán của ông Dũng hẳn đã không ngờ đến cả mức lỗ lớn trong quý 4.
Vì sao vậy?
Trong báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 và lũy kế cả năm 2013, có hai hạng mục chính đè con số lợi nhuận của Eximbank xẹp xuống.
Trớ trêu là, một trong số đó lại thuộc vào mảng sở trường và thế mạnh của đầu mối thanh toán xuất nhập khẩu lớn trong hệ thống: kinh doanh ngoại hối. Quý 4/2013, Eximbank lỗ tới 229,6 tỷ đồng ở mảng này, gạt hết cả phần lãi có được từ đầu năm.
Ở đây có thể lý giải một phần của tác động khách quan. Ngân hàng Nhà nước thúc ép các ngân hàng thương mại phải tất toán xong trạng thái vàng. Cao điểm nửa đầu 2013 là áp lực tất toán bằng mọi giá tại nhiều thành viên, Eximbank không phải là ngoại lệ. Rủi ro lớn về giá nằm ở đây, để rồi kết chuyển thành khoản thua lỗ lớn trong kinh doanh ngoại hối chốt sổ cuối năm.
Eximbank chịu tác động khá lớn của yêu cầu tất toán trạng thái vàng. Bởi cuối năm 2012, nguồn vốn bằng vàng của họ vẫn còn tới khoảng 13,8 tấn. Nhưng nói gì thì nói, rủi ro trong kinh doanh vàng cũng khó đổ cho sức ép từ Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này đã nhiều lần trì hoãn, đã nhiều lần phải nới lộ trình và nhượng bộ tất toán cho các ngân hàng thương mại.
Lý do thứ hai khiến Eximbank rơi trong năm 2013 là rủi ro nợ xấu.
So với mặt bằng chung hệ thống, cũng như với nhiều thành viên khác, những năm gần đây và hiện nay Eximbank quản lý nợ xấu khá tốt (theo như báo cáo sổ sách). Đây cũng là một trong số rất ít thành viên có được tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% cuối 2012.
Nhưng, năm 2013, nợ xấu của ngân hàng này đã tăng mạnh từ 1,32% lên 1,98%, nhất là mức độ nợ có khả năng mất vốn tăng từ 792,8 tỷ đồng lên tới 1.073,8 tỷ đồng. Đi cùng với đó, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng đã tăng cao, góp phần gây lỗ trong quý 4 và níu kéo lợi nhuận cả năm. Riêng quý 4/2013, Eximbank phải trích lập 120,4 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 39,3 tỷ đồng; cả năm là 300,2 tỷ đồng.
Những rủi ro trên mà Eximbank gặp phải cũng có ở khá nhiều ngân hàng khác. Nhưng kết quả chung, Eximbank rơi sâu hơn, nhất là khi so với tốc độ tạo lãi những năm trước.
Sâu xa, những đồn đoán rộ lên cuối năm 2013 là đáng chú ý. Sau khi ngân hàng này thay đổi nhân sự điều hành cao nhất - tổng giám đốc, đã có những xáo trộn trong nội bộ.
Eximbank bổ nhiệm một loạt lãnh đạo điều hành cao cấp, cơ cấu bộ máy quản lý mở rộng. Trong khi đó, một loạt cán bộ nhân viên bị cắt giảm - điều đã góp phần giúp cho ngân hàng tiết giảm được chi phí hoạt động đáng kể trong quý 4/2013.
Trước những bàn tán trong dư luận, ngày 14/11/2013, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank lên tiếng và phủ nhận không có chuyện sa thải nhân sự ồ ạt, mà thực tế mới chỉ chấm dứt hợp đồng với 48 người. Thế nhưng, báo cáo tài chính quý 4/2013 cho thấy, trong quý này đã cắt giảm tới 336 người.
Ngoài tình hình kết quả kinh doanh như trên, Eximbank hiện cũng đang phải đối mặt những vấn đề như tin đồn đoán lan truyền xung quanh việc tái cơ cấu, đơn thư nặc danh gửi tới các cơ quan báo chí... đã tạo thêm những "vết thương tinh thần" trong nội bộ. Đây có thể cũng là một tác động sâu xa, khiến cú rơi của Eximbank trở nên sâu hơn./.
Thùy Vân