Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 32 tỷ USD trong gần 2 tuần "đen tối"
VN-Index có phiên giảm điểm mạnh nhất thị trường chứng khoán châu Á.
Phiên giao dịch ngày 28/1, VN-Index giảmkỷ lục về điểm số khi mất 73,23 điểm (-6,67%) xuống còn 1.023,94 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm đến 17,74 điểm (-8,03%) xuống 203,05 điểm.
HNX-Indexcũng có phiên giảm mạnh nhất về mặt phần trăm trong vòng gần 14 năm qua kể từ phiên 2/7/2007 với mức giảm 9,98%. UPCoM-Index giảm 5,41 điểm (-7,27%) xuống 69,05 điểm.
Với mức giảm điểm mạnh như trên, VN-Index là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất châu Á trong phiên 28/1.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc các chỉ số lao dốc được cho là nhà đầu tư hoảng loạn trước thông tin Việt Nam ghi nhận kỷ lục số ca lây nhiễm Covid-19trong cộng đồng với 82 ca tại Hải Dương và Quảng Ninh.
Tính từ ngày 19/1 đến nay, VN-Index đã có 4 phiên giảm sâu trên 20 điểm. Chỉ số này đã mất 14%, HNX-Index cũng giảm 12% chỉ trong vòng chưa tới 2 tuần. Tổng mức vốn hóa trên toàn thị trường chốt phiên 28/1 ở mức hơn 5,01 triệu tỷ đồng, "bốc hơi" 736.231 tỷ đồng (31,9 tỷ USD).
Tính riêng phiên 28/1, vốn hóa của riêng sàn HoSE đã mất 251.701 tỷ đồng xuống còn 3,82 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, mức vốn hóa này đã bao gồm cả cổ phiếu OCBcủa Ngân hàng Phương Đông (HoSE: OCB) mới lên giao dịch (20.109 tỷ đồng).
Nếu loại trừ đi phần của OCB, vốn hóa sàn HoSE giảm đến 271.810 tỷ đồng so với phiên trước. Nếu so với phiên giao dịch 18/1, vốn hóa sàn này đã để mất 593.316 tỷ đồng. Vốn hóa sàn UPCoM đã mất mốc 1 triệu tỷ đồng sau khi kết thúc phiên 28/1.
Thống kê top 30 cổ phiếu vốn hóalớn nhất thị trường chứng khoán, trong 8 phiên giao dịch vừa qua chỉ có 3 mã tăng giá là BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM), THD của Thaiholdings (HNX: THD) và NVL của Novaland (HoSE: NVL).
Trong khi đó, có đến 6 cổ phiếu giảm giá trên 20% là VGI của đầu tư quốc tế Viettel (UPCoM: VGI), GVR của Tập đoàn CN Cao su VN (HoSE: GVR), CTG của Vietinbank (HoSE: CTG), BVH của Bảo Việt (HoSE: BVH), BID của BIDV (HoSE: BID) và HDB của HDBank (HoSE: HDB).