(CMO) “Chúng ta khởi đầu ở đâu không quan trọng mà quan trọng là lộ trình chúng ta đi như thế nào”, GS.TS Phan Văn Trường đưa ra lời khuyên “Hoạch định cuộc đời” cho hơn 900 học sinh 3 khối lớp của trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển.Buổi talkshow "Hoạch định cuộc đời. Vượt qua sự lười biếng" do trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển tổ chức với sự hỗ trợ của Công ty Đạm Cà Mau, Dự án Sách và Hành động.
Ngay khi GS.TS Phan Văn Trường vẫy tay chào gặp gỡ, cả sân trường đã rộn rã đón chào, những cái bắt tay, tiếng reo hò, nụ cười háo hức. Nhưng khi ông đặt câu hỏi: “Các bạn đã có ý niệm làm gì trong tương lai?”, không khí tạm lắng, rất ít cánh tay đưa lên. Có em phát biểu là muốn trở thành bác sĩ để đảm bảo sức khoẻ cá nhân và chăm sóc gia đình; em thì muốn làm kiến trúc sư, đơn giản vì em thích; có cả những nghề nghiệp rất đặc thù như “Pháp y”... GS.TS Phan Văn Trường tiếp tục đưa ra câu hỏi: “Vậy các em nghiên cứu nghề từ đâu mà chọn như thế? Hay chịu sự ảnh hưởng từ ai?”, có đến hơn 2/3 các em cho là vẫn chịu sự ảnh hưởng lựa chọn nghề từ phía những người thân trong gia đình, bởi đó là sự kỳ vọng, mong muốn của cha mẹ, là sự nối nghiệp và là sự ngưỡng mộ “hình tượng” của những người thân đã thành công... GS.TS Phan Văn Trường khẳng định: “Phải tự lựa chọn nghề để có lộ trình. Và đơn giản chỉ là cố gắng hết sức để làm tròn. Đó là bí quyết thành công. Mình vượt qua được chính mình, sướng lắm!”. Ông dẫn chứng, bản thân ông từng là học trò lười, rất lười. Cha ông từng buộc ông chọn 2 nghề là bác sĩ và kiến trúc sư. Và ông đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để làm điều mình thích, mình đam mê. Cho đến nay, ông thành công trên rất nhiều lĩnh vực, nhưng không có 2 nghề đó. Ông nhấn mạnh, đừng bao giờ nhìn người đứng nhất lớp mà bị ảnh hưởng chọn theo. Phải làm khác đi mới thành công. Đi theo người khác là phải đi theo mãi mãi. Chọn nghề phải là lựa chọn của cá nhân, chọn theo sự đam mê nhưng phải theo nhu cầu xã hội. Đừng chọn theo cha, theo người mình suy tôn hay theo người định hướng cho mình. Vậy làm thế nào để thành công? Ông đưa ra những việc các em cần phải làm ngay bây giờ. Trước hết, buộc phải giỏi sử dụng laptop, thông thạo các tính năng. Đây là điều kiện đầu tiên trên lộ trình đến thành công. Kế đến là ngoại ngữ. “Hãy dành một chút thời gian đang rỗi hoặc nhín chút thời gian "tám" chuyện trên facebook, zalo... để học thêm một thứ tiếng hoặc cố gắng học thật giỏi tiếng Anh mà các em đang được học. Hãy nghĩ rằng, nếu một ngày các em đi ra thành phố lớn, gặp nhiều người nói rất nhiều thứ tiếng, các em sẽ thấy lạc lõng, nhỏ bé nếu không giỏi ngoại ngữ”, GS.TS Phan Văn Trường đề nghị. Đừng ngần ngại, hãy mở toang cánh cửa tri thức của các em. Hãy bỏ ngay suy nghĩ người khác thất bại mình mới thành công. Ngày nay, chỉ khi mọi người thành công ta mới thành công. Ví như mua 1 smartphone ở bất kỳ đâu, họ bán được thì người tạo ra nó cũng sẽ thành công. Nền giáo dục thế giới chấm điểm tập thể, làm việc nhóm. Chúng ta có thể làm việc mà không cần gặp ai cả, nhưng vẫn có dự án tổng thể và đi đến kết quả từ làm việc nhóm online. Nên có tư duy có 2 hoặc nhiều nghề. Nghề chính là nghề có thể kiếm ra tiền nuôi sống gia đình. Còn nghề tay trái lại là nghề mình yêu thích hoặc cháy hết mình vì nó. Hoặc có thể biết nhiều nghề để trong trường hợp khó khăn nhất vẫn có được cái nghề kiếm ra tiền để sống. Cho dù làm nghề gì cũng phải giỏi toán học, giỏi truyền thông. Đó là điều cần có khi muốn thành công. Cách đây 10 năm, nghề “hot” là nghề bác sĩ, ngân hàng... nhưng ở thời 4.0 hiện nay, các em chỉ cần cố gắng là có thể tìm được cơ hội kiếm ra tiền. Với điều kiện phải đi nhanh hơn, học nhiều hơn, tri thức hơn. Chẳng hạn như “shipper món ăn”, công ty giao trong 10 phút, nhưng có nơi chỉ trong 9 phút là được chọn. “Các em đang đi rất nhanh vào xã hội nhưng “dễ té, dễ trơn trượt”... các em cần phải cố gắng đứng vững, chớp lấy cơ hội để vượt xa hơn. Tuổi trẻ Việt Nam năng động, sáng tạo, nhanh nhẹn, chuyên cần. Nhưng cần phải đoàn kết hơn, cùng nhau thành công và phải dám làm điều khác biệt”, GS.TS Phan Văn Trường kết luận./. Băng Thanh |