Giải ngân vốn đầu tư công "vướng" do thủ tục và dịch bệnh Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kế hoạch vốn năm 2021 được giao của bộ này là 9.846 tỷ đồng; trong đó vốn trong nước (gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ ) là 7.001 tỷ đồng, vốn ODA 2.845 tỷ đồng. Bộ này đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư linh hoạt, cho nên tỷ lệ giải ngân đến nay đạt 22,1% và phấn đấu 6 tháng đầu năm đạt khoảng 42,8%. Hiện Bộ NN&PTNT đang hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và thủ tục đầu tư các dự án mở mới trung hạn 2021 - 2025 và triển khai thực hiện khi Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đang phải đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, những dự án quy mô lớn, kế hoạch vốn năm 2021 nhiều, chính quyền địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng: gồm 2 dự án Hồ Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình và hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk. Những dự án thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng và vốn đối ứng của các địa phương đã cam kết như dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, dự án Hồ chứa nước Bản Lải, dự án hồ chứa nước Ngòi Giành ... Đối với dự án ODA, một số dự án phải kéo dài thời gian thực hiện do dịch Covid-19; không được sử dụng vốn nước ngoài chi trả thuế giá trị gia tăng và chi thường xuyên phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư giống như thủ tục phê duyệt mới, phải qua nhiều bước, lấy ý kiến nhiều bộ, ngành nên mất thời gian (thường hơn 6 tháng). Đặc biệt, một số dự án chỉ gia hạn thời gian thực hiện cũng phải thực hiện theo quy trình trên. Không những vậy, mô hình quản lý một số dự án không phù hợp... Phấn đấu giải ngân đạt khoảng 42,8% 6 tháng đầu năm 2021 Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để giải ngân nhanh các dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục vụ sản xuất, cũng như phòng chống thiên tai. Đồng thời, bộ cũng rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư linh hoạt, đảm bảo giải ngân 6 tháng đầu năm đạt khoảng 42,8% và cả năm tối thiểu đạt 95% kế hoạch. Hoàn thành xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của Bộ NN&PTNT, ngay sau khi được phê duyệt. Đối với các dự án đã giao vốn kế hoạch vốn năm 2021, đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân đảm bảo như đã cam kết. Hàng quý, Bộ NN&PTNT đánh giá các chủ đầu tư theo kết quả thực hiện giải ngân. Đối với các dự án (khoảng 11 dự án vốn TPCP) có thể giải ngân cao hơn kế hoạch, bộ triển khai gấp các thủ tục để tăng khối lượng giải ngân . Riêng đối với các dự án ODA, Bộ NN&PTNT đề xuất khi đàm phán hiệp định, sổ tay hướng dẫn thực hiện cần giảm tối đa số lượng gói thầu xem xét trước, quy định rõ thời gian tối đa để nhà tài xem xét, chấp thuận về hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng. Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án ký hiệp định trước khi có Chỉ thị số 18/CT-TTg đã quy định dùng vốn nước ngoài cho chi thường xuyên, chi trả thuế gí trị gia tăng thì tiếp tục thực hiện theo hiệp định. Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Chính phủ sửa đổi Nghị định số 56/2020/NĐ-CP theo hướng tinh giảm thủ tục khi điều chỉnh chủ trương dự án, đặc biệt các dự án chỉ điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện dự án dưới 6 tháng…/.
Khánh Linh |