Chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc Jeong Jin-seok ngày 12/10 cho rằng: “Nếu Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7, thỏa thuận quân sự liên Triều ngày 19/9 được ký kết dưới thời chính quyền Moon Jae-in, cũng như Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên năm 1991, phải bị hủy bỏ”. Theo ông Jeong, vũ khí hạt nhân chiến thuật nên được sử dụng để thúc đẩy "sự cân bằng". Dư luận cho rằng phát biểu của ông Jeong được hiểu là Hàn Quốc nên yêu cầu Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trong trường hợp Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 7. Ngay trước khi hai miền Triều Tiên công bố Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên năm 1991, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã rút toàn bộ vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai trên Bán đảo Triều Tiên. Trong một phát biểu cùng ngày với báo giới, nghị sĩ Kim Ki-hyeon thuộc PPP cho rằng: "Chúng ta cũng phải đưa ra các biện pháp tự vệ để bảo vệ chính mình". Mặc dù phát ngôn của ông Kim được khẳng định là quan điểm cá nhân không có sự phối hợp với văn phòng Tổng thống hoặc đại diện cho đảng PPP, song một cuộc tranh luận công khai về việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật đang nhanh chóng lan trong chính giới. Một quan chức văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, nước này hiện không có lựa chọn nào khác là phải cân nhắc mọi biện pháp để đáp trả chương trình hạt nhân của Triều Tiên, do tình hình trên Bán đảo Triều Tiên được đánh giá là khá nghiêm trọng so với những ngày đầu của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol. Một quan chức cấp cao khác của Chính phủ lại cho biết: "Tổng thống Yoon đang xem xét các lựa chọn khác nhau trong khi tập trung vào việc tăng cường mạnh mẽ khả năng răn đe, ngăn chặn mở rộng của liên minh Hàn-Mỹ". Văn phòng Tổng thống đánh giá rằng tình hình hiện tại ở Đông Bắc Á, bao gồm cả Bán đảo Triều Tiên, nghiêm trọng hơn đáng kể so với thời điểm diễn ra cuộc họp báo 100 ngày nhậm chức của Tổng thống Yoon vào ngày 17/8. Vào thời điểm đó, Tổng thống Yoon đã phát biểu rằng “sẽ không từ bỏ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ song thời điểm này, "tất cả các lựa chọn" đều cần được cân nhắc. Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Hàn Quốc đã thảo luận tất cả các biện pháp cứng rắn chống lại Triều Tiên nhưng mới chỉ ở cấp thấp và biện pháp này có thể được sử dụng như một đòn bẩy trong cộng đồng quốc tế, đồng thời gửi thông điệp cảnh báo tới Triều Tiên. Nhiều luồng dư luận tại cả Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, việc đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật trở lại là điều không dễ dàng. Điều phối viên Truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) John Kirby cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên. Điều này nhấn mạnh mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, bao gồm Triều Tiên cũng như Hàn Quốc”. Phát biểu này gián tiếp bày tỏ quan điểm phủ định đối với việc tái triển khai hạt nhân chiến thuật. Vì đây là một vấn đề có thể làm lung lay nền tảng của chính sách an ninh trong giới chính trị, nên có thể hiểu được sự thận trọng cao của Chính phủ Hàn Quốc trong đề cập vấn đề này. Chính vì vậy, có nhiều bình luận cho rằng phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban Ứng phó khẩn cấp đảng PPP Jeong Jin-seok như người khai hỏa và dư luận cũng nhận thức được rằng sẽ có rất nhiều rào cản kể cả khi Hàn Quốc muốn đàm phán với Mỹ về vũ khí hạt nhân chiến thuật vì lợi ích quốc gia. |