Ba cây Sao đen trên phố Lò Đúc, Hà Nội, sừng sững hiên ngang qua bao thăng trầm lịch sử và nhộn nhịp của phố thị bỗng chốc "chết đứng" vào cuối năm 2023, để lại những nghi vấn, day dứt trong lòng dư luận. Sự việc bắt đầu khi người dân phát hiện ba cây Sao đen trước các số nhà 65, 71 phố Lò Đúc và số 40 phố Lê Ngọc Hân có dấu hiệu héo úa bất thường. Sau đó, chỉ trong thời gian ngắn, cả ba cây đều chết đứng, để lại những cành lá khô xác xơ. Nhiều người dân cho rằng, ba cây sao đen này đã bị "bức tử" do các hoạt động thi công xây dựng lấn chiếm phần đất xung quanh gốc, khiến cây bị thiếu nước và dinh dưỡng.
Sự nghi ngờ của người dân càng được củng cố khi họ phát hiện một số dấu hiệu bất thường như: Xung quanh gốc cây có dấu hiệu bị láng bê tông, rễ cây bị tác động, thậm chí có cả những chất lỏng nguy hại bị đổ xuống. Những hành vi này được cho là đã làm tổn thương nghiêm trọng đến bộ rễ và hệ thống sinh trưởng của cây, dẫn đến cái chết tức tưởi. Không chỉ là nhận định của người dân, việc cây xanh có dấu hiệu bị “bức tử” cũng là nhận định của cơ quan chuyên môn. Cụ thể, qua kiểm tra, ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho rằng các cây sao đen bị chết "có dấu hiệu xâm hại". Các cây này có dấu hiệu bị tác động từ bên ngoài để cây bị chết. Đã hơn 3 tháng kể từ khi sự việc xảy ra, nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của ba cây sao đen vẫn chưa được làm sáng tỏ. Các cơ quan chức năng liên quan đã được yêu cầu vào cuộc điều tra nhưng kết quả vẫn chưa được công bố. Điều này khiến dư luận không khỏi thất vọng và đặt ra nhiều câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự việc này? Liệu có ai sẽ bị trừng phạt vì hành vi tàn phá môi trường? Và quan trọng hơn hết, làm thế nào để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai?
Sẽ là rất tắc trách, quan liêu, nếu lập luận theo hướng: “Chỉ là vài cái cây thôi mà. Sao phải làm căng lên như vậy?”, bởi đây đã không còn là một vụ việc đơn lẻ. Trong quá khứ đã có rất nhiều vụ việc tương tự. Rất nhiều cây xanh chết tức tưởi nhưng mãi về sau vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, xử lý thủ phạm và quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan. Hãy nhớ đến những cây xanh chết lác đác trên đường Thể Giao, Lê Đại Hành, Lê Quý Đôn, Trần Khát Chân từng được báo chí phản ánh vào năm 2022. Những cái chết đầy oan khuất ấy, đến nay đều vẫn còn đang chờ lời giải đáp.
Cây xanh không chỉ là biểu tượng của sự sống mà còn là lá phổi của thành phố, giúp điều hòa không khí và mang lại bóng mát. Vụ việc ở phố Lò Đúc không chỉ là một vấn đề địa phương mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ môi trường sống. Một cuộc điều tra minh bạch và đầy đủ, không chỉ để tìm ra nguyên nhân cái chết mà còn để đưa ra ánh sáng những hành vi phá hoại môi trường. Những kẻ có hành vi vô trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ môi trường phải bị đưa ra ánh sáng và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tiền lệ cho những việc như thế này đã có và không thể cứ bỏ qua mãi. Các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng công bố kết quả điều tra, để người dân có thể hiểu rõ sự việc và không còn cảm giác bất an, hoài nghi. Nếu có bất kỳ sự chần chừ nào trong việc công bố thông tin, đó sẽ là sự phản bội đối với niềm tin của công chúng. |