Các khoảng trống quyền lực hình thành sau khi Liên Xô sụp đổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Trung Á, đặc biệt là tại thung lũng Fergana, nơi được cho là "thánh địa" của các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Địa hình núi non hiểm trở đã tạo ra một vùng đệm tự nhiên cho các tổ chức bán tự trị này chống lại ảnh hưởng và sự kiểm soát của Trung Quốc và Nga, giúp chúng có được một căn cứ địa rộng lớn để phát triển.
Thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã chứng kiến sự nổi lên của một số nhóm Hồi giáo ở thung lũng Fergana, trong đó có nhóm Đối lập Thống nhất Tajikistan, do cựu Tổng thống Emomali Rahmon lãnh đạo, đảng Hồi giáo Phục hưng Tajikistan - hiện là đảng Hồi giáo hợp pháp duy nhất ở Trung Á sau khi bị cấm hoạt động vào năm 1993, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan - một nhóm liên minh với al-Qaeda và Taliban và từng bị thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến tại Afghanistan sau khi Mỹ xâm lược nước này vào năm 2001.
Khi NATO và Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) rút khỏi Afghanistan, IS đã tìm cách tận dụng những lợi thế từ các khoảng trống quyền lực sắp hình thành. Tháng 12-2014, 50 thanh niên đã bị bắt giữ tại Tajikistan do bị tình nghi có âm mưu tham chiến tại Syria, đặc biệt là muốn tham gia hàng ngũ của IS. Vào tháng 3-2014, nhóm Jamaat của Sabiri, một nhóm Hồi giáo gồm những công dân Tajikistan, Uzbekistan và Nga ở vùng Caucasus, đã tuyên thệ trung thành với IS. Theo ước tính của giới quan sát, hiện có khoảng từ 500 tới 1.000 chiến binh từ Trung Á đang tham chiến tại Syria, trong đó một số thành viên cấp cao của IS là các công dân của Kazakhstan.
Tháng 9-2014, ông Usmon Ghazi, thủ lĩnh của Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU), đã tuyên bố sẽ trung thành với thủ lĩnh của IS, Abu Bakr al-Baghdadi. Năm ngoái, chỉ vài ngày trước lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Uzbekistan, lá cờ đen của IS đã được treo trên một cây cầu ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan. Cùng thời điểm này, al-Baghdadi đã bổ nhiệm một người Tajikistan làm chỉ huy của IS tại tỉnh Raqqa của Syria. Gần đây, tại Tajikistan đã xuất hiện hàng loạt tờ rơi mời chào các công dân Tajikistan tham gia IS với thù lao 5.000 USD/tháng, cao hơn nhiều hơn so với mức lương trung bình ở nước này.
Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng hệ thống quản lý đường biên giới lỏng lẻo, địa hình núi non hiểm trở, sự bất ổn về chính trị và sự bất bình đẳng về kinh tế ở Trung Á đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm Hồi giáo cực đoan như IS tăng cường hiện diện trong khu vực. Các chiến binh Trung Á đang tham chiến tại Syria cuối cùng rồi cũng sẽ trở về đất nước. Điều này không chỉ khiến các nhà hoạch định chính sách trong vùng mà ở cả những khu vực khác phải quan ngại.
Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến chống IS là cắt đứt các nguồn cung cấp, viện trợ tài chính cho tổ chức này. Hầu hết số tiền mà IS có được là do buôn lậu dầu mỏ, tiền chuộc con tin bị bắt cóc và "thuế" thu được từ các tài xế xe tải và các cơ quan cứu trợ. Chỉ khi chặn đứng được các nguồn tài chính này, thì mới có thể loại bỏ được IS và việc này sẽ phải mất khá nhiều thời gian.