Sau 9 năm lao dốc,ằngcogiátiêkết quả vô địch nga giá hồ tiêu lập đỉnh mới, dự báo nào cho thời gian tới? Giá tiêu được nhận định rất khó dự báo thời điểm này |
"Cân não" bán ra hay giữ hàng?
Mấy ngày này, trên khắp các diễn đàn hồ tiêu, vấn đề giá đang trở thành chủ đề nóng và hot nhất. Giá tiêu tăng hay giảm? Nên bán giá hay giữ đợi giá tiếp tục tăng? Và cả câu chuyện tiêu mất mùa cũng được bàn luận.
Giá tiêu đang giằng co khiến cả người trồng và doanh nghiệp đều lưỡng lự việc mua-bán |
“Ai đó đang âm thầm bắt tay với nhau đạp giá tiêu xuống để người đầu cơ và người dân xả hết hàng rồi thâu tóm thị trường, từ đó nâng giá. Bà con bình tĩnh đừng bán vội”, thông tin của một thành viên đăng trên diễn đàn hồ tiêu.
Tương tự, những ý kiến như “hãy bình tĩnh, giá tiêu cuối tháng này lại lên” hay “tầm đầu tháng 9, giá tiêu sẽ tăng cao”;… được đăng tại trên diễn đàn hồ tiêu với vài chục nghìn người tham gia.
Ngày 13/6 vừa qua, giá tiêu chứng kiến lần vượt đỉnh 9 năm qua khi leo lên con số hơn 180.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức cao đỉnh điểm này chỉ chóng vánh và tụt dần xuống mức giằng co 157.000 – 165.000 đồng/kg. Giá tiêu ngày 16/6, giá tiêu giao dịch ở mức 157.000 đồng/kg, giảm 13% so với mức thiết lập cách đó ba ngày.
Giá tiêu hôm nay 20/6 tại các vùng trồng trọng điểm như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đang được người dân bán trong khoảng 155.000 - 160.000 đồng/kg, giảm nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó.
Biến động giá tiêu hiện nay không nằm ngoài dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA). Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA đã thông tin “dự báo, giá hồ tiêu trong một thời gian ngắn nữa sẽ hạ nhiệt đôi chút nhưng khó có thể trở về mức giá như cũ”.
Trong diễn biến giá hồ tiêu đang đảo chiều giảm sau thời gian dài tăng thẳng đứng, câu hỏi được đặt ra lúc này đó là liệu giá tiêu có tiếp tục giảm? Theo các chuyên gia trong ngành, nguồn cung hiện nay hạn chế trong khi nhu cầu của thị trường vẫn cao, do đó, giá tiêu khó lòng giảm xuống mức 140.000 đồng/kg.
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco) – nhận định, đợt điều chỉnh giảm những ngày gần đây là hợp lý, do thời gian qua giá tiêu tăng quá sốc lên mốc 180.000 đồng/kg. Thực tế khi giá đạt 180.000 đồng/kg, người mua gần như đứng ngoài. Tuy nhiên, nguồn cung hiện đang eo hẹp, do đó, giá tiêu khó lòng giảm xuống dưới 100.000 đồng/kg. Thậm chí khả năng giá tiêu giảm xuống mức 130.000 - 140.000 đồng/kg cũng là điều khó. Vụ tiêu năm nay mất mùa. Khi giá tiêu lên đạt 110.000 - 120.000 rất nhiều người đã bán ra. Hiện đang diễn ra hiện tượng chậm giao hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo VPSA, sản lượng tiêu năm nay có thể ở mức 170.000 tấn, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mới qua 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu trên 114.000 tấn, tương đương 67% sản lượng. Như vậy, nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì nước ta còn khoảng 60.000 tấn hồ tiêu để xuất khẩu trong các tháng còn lại của năm.
Theo thống kê sơ bộ của VPSA, 16 ngày đầu tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 16.211 tấn hồ tiêu, trong đó, hồ tiêu đen đạt 14.347 tấn, hồ tiêu trắng đạt 1.864 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 77,8 triệu USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Phúc Sinh đạt 1.890 tấn; Olam Việt Nam đạt 1.286 tấn; Haprosimex JSC đạt 1.277 tấn; Simexco Đắk Lắk đạt 895 tấn và Trân Châu đạt 874 tấn.
Theo ông Lê Đức Huy, những tháng tới lượng xuất khẩu có thể giảm mạnh vì hàng tồn kho chỉ còn ít. Ngoài ra, với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay cùng với diện tích trồng, nguồn cung tiêu trong năm tới cũng vẫn là một thách thức.
Ngược cảnh, người dân mua lại hồ tiêu từ đại lý
Theo VPSA đà tăng “nóng” của hồ tiêu hiện nay một phần đến từ việc các thương lái Trung Quốc bắt đầu thu mua tiêu trở lại sau thời gian dài vắng bóng. Trong khi đó, trên thị trường giao dịch, tình trạng nhà đầu cơ mua bán hoặc tuồn hàng ra thị trường một cách bất ngờ khiến giá hồ tiêu diễn biến thất thường, khó lường.
Ông Trần Văn Tâm - Công ty TNHH Thương mại Hoà Thuận (Đắk Lắk), thông tin, dù giá cao song số lượng nông dân bán ra không nhiều. Thậm chí, người dân mua ngược lại từ đại lý, công ty để kiếm lợi nhuận. Tại công ty của ông, nông dân đến mua lại ít nhất 1 - 2 tấn, có người mua tới vài chục tấn. Giá tiêu lên xuống từng ngày, thậm chí từng giờ.
Những năm 2015, hồ tiêu từng lập đỉnh về giá với trên 200.000 đồng/kg. Nhiều người phất lên nhờ cây tiêu. Tuy nhiên, sau đó không lâu, hồ tiêu trượt giá không phanh, cộng thêm dịch bệnh chết nhanh chết chậm, khiến không ít người trắng tay, nợ nần. Diện tích hồ tiêu giảm nghiêm trọng do chết vì dịch bệnh, người dân chuyển sang trồng cà phê, sầu riêng…
Giá hồ tiêu tăng cao khiến nông dân phấn khởi, tuy nhiên theo nhiều nhà vườn, giá tiêu tăng nhưng chi phí đầu tư, thu hái loại nông sản này cũng cao không kém. Chưa kể, năm nay, hồ tiêu mất mùa nghiêm trọng. Để người dân sống được với cây tiêu và gắn bó với nghề, ông Nguyễn An Thạnh, Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho rằng - giá cả phải ổn định từ 150.000 - 180.000 đồng/kg.
Bà Hoàng Thị Liên - cho biết, hồ tiêu trong dân vẫn còn nhưng thay vì bán ra ồ ạt, bà con bán nhỏ giọt để nghe ngóng trong bối cảnh giá mặt hàng này vào đà tăng. Không chỉ bán nhỏ giọt, bà Hoàng Thị Liên nhận định, rất có thể chính những người dân cũng tham gia đầu cơ. Trước đây, người dân không thu mua hồ tiêu nhưng nay họ cũng ra kênh mua. Mọi người cứ ai có tiền đều có thể tham gia thị trường và việc tham gia của người dân cũng không loại trừ. Tuy nhiên, chúng ta nói đầu cơ ở đây một cách lành mạnh.
Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, song tốc độ tăng sẽ chậm lại. Đồng thời khuyến cáo không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho rằng, giá hồ tiêu có thể cao giúp nông dân lãi lớn nhưng nông dân cũng cần nhìn lại bài học của nhiều năm trước, không nên lặp lại vết xe đổ ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định.