Nghị định về BT có thể được Thủ tướng ký ban hành trong tháng 1/2019. Ảnh: Internet. Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Hải Phòng đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư BT để triển khai một số dự án trên địa bàn và đã hoàn thành khối lượng xây dựng khá lớn. Thành phố đã chuẩn bị đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, quyết định của Bộ Tài chính về việc tạm dừng thanh toán cho các dự án BT, khiến UBND TP Hải Phòng bị phạt do không thể thanh toán. Mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8%/năm.
Lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, do không được thanh toán, nhà đầu tư BT cũng xây dựng công trình tốc độ rất chậm, ảnh hưởng sự phát triển của thành phố. “Hải Phòng đề nghị Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo cho địa phương và các địa phương khác”, ông Nguyễn Văn Tùng đề nghị.
Liên quan vấn đề này, tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Chinh phủ sớm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình BT để các địa phương sớm triển khai thực hiện.
Tỉnh Bắc Giang cũng gặp phải những vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề này. Theo lãnh đạo đạo tỉnh Bắc Giang, tỉnh này cũng triển khai nhiều dự án BT, trong đó, có dự án trị giá trên 1.000 tỷ đã hoàn thành xong cách đây 4 tháng nhưng đến nay vẫn chưa giao được đất cho các nhà đầu tư.
Trả lời những kiến nghị của các địa phương liên quan đến thanh toán hợp đồng BT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để triển khai thực hiện Luật Quản lý tài sản công, ngay từ năm 2017, Bộ Tài chính đã tích cực nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, trong đó, hiện vẫn còn 2 Nghị định gồm nghị định về ô tô công và nghị định về BT.
“Chúng tôi đã trình Chính phủ Nghị định về BT ngày 6/10/2017”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, trong năm qua, Bộ Tài chính đã 5 lần có văn bản báo cáo giải trình, tiếp thu về nghị định này. “Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tạm ngừng thanh toán hợp đồng BT. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, rất phức tạp và rất dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thời gian qua chúng ta đã xử lý một loạt trường hợp này. Và trên cơ sở tiếp thu, giải trình của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã ba lần lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ, cho thấy quá trình xây dựng nghị định này là rất phức tạp.
“Đồng chí Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã ba lần dự cuộc họp, chỉ đạo để hoàn chỉnh nội dung nghị định này. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 19/8/2018 để chỉ đạo hoàn thiện nội dung nghị định về BT. Trong phiên họp Chính phủ tháng 9/2018 cũng đã ban hành nghị quyết về vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Hiện nay, Bộ Tài chính hiện đã hoàn chỉnh hết dự thảo Nghị định theo chỉ định đạo của Chính phủ và Thủ tướng, cũng như Nghị quyết về hướng dẫn chuyển tiếp trong thời gian khoảng trống pháp lý. Có thể trong vòng tháng 1/2019, Thủ tướng sẽ ký ban hành các nghị định, nghị quyết này.
Trước đó, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, công văn này yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”. |