Dữ liệu dân cư là động lực chuyển đổi số Chủ đề thông điệp sự kiện chuyển đổi số ngân hàng năm nay là “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chủ đề này nhấn mạnh mục tiêu chuyển đổi số sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022. Trong lĩnh vực ngân hàng, Bộ Công an và NHNN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều,...). Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc NHNN, hiện tại NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu dữ liệu khách hàng về thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc ứng dụng định danh điện tử VneID. Đến nay, 95% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Thống kê của NHNN cho thấy, một số TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Vẫn tiếp tục cần thay đổi toàn diện Kết quả thực hiện chuyển đổi số thời gian qua cho thấy, năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động, phương thức QR code tăng trưởng trên 100% so với năm 2021 (kênh Mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị); 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay đã có khoảng 18,6 triệu thẻ, 8,7 triệu tài khoản ngân hàng được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động. Hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở, với khoảng 70,4% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... với hơn 8.800 điểm kinh doanh và hơn 15.000 đơn vị chấp nhận thanh toán. Số lượng giao dịch của tài khoản Mobile Money đạt hơn 19 triệu món với giá trị đạt khoảng 1.268 tỷ đồng. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra trong hoạt động chuyển đổi số nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng là rất lớn. Tại sự kiện chuyển đổi số ngân hàng 2023 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã xác định chủ đề năm 2023 là “Năm quốc gia về dữ liệu số”. Trong đó, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao. “Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Vì vậy, ngành Ngân hàng chuyển đổi số nhanh sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh; góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đặt ra trong năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh về những yêu cầu đặt ra với lĩnh vực ngân hàng. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề cập đến những yêu cầu với ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng cũng sẽ cần tiếp tục cần có các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, đó là yếu tố góp phần gia tăng hiệu quả các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
|