Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo khác đã tới Manila sau khi rời Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Thổ Nhĩ Kỳ, sự kiện đã tập trung vào vấn đề liên quan tới tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và cách thức để tiêu diệt mạng lưới thánh chiến Hồi giáo này. G20 và APEC diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố của IS tại Liban, Pháp và một số khu vực khác. Sự bành trướng và thay đổi phạm vi cũng như cách thức hành động của tổ chức thánh chiến này đã khiến thế giới phải thay đổi các quan điểm trước đây rằng IS chỉ hoành hành trong phạm vi “vương quốc Hồi giáo" mà chúng tự dựng lên, cũng như kích động những phần tử thánh chiến tiến hành các vụ tấn công theo hình thức “sói đơn độc”. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án việc IS sát hại con tin người Trung Quốc, gọi IS là kẻ thù chung của nhân loại, đồng thời nhấn mạnh mối đe doạ khủng bố trên toàn cầu.
Đáng chú ý, Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei cũng đều từng có công dân đến Syria và Iraq để tham chiến cùng IS. Trong số này, quốc gia có số dân đông nhất theo đạo Hồi là Indonesia, đã phải chịu đựng các vụ tấn công của các phần tử chủ chiến Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda, kể cả những vụ đánh bom ở Bali năm 2002 làm 202 người thiệt mạng, đa số là du khách nước ngoài. Trong khi đó, Philippines và Thái Lan vẫn tiếp tục chống chọi với các nhóm ly khai do Hồi giáo thống trị ở những vùng phía Nam các nước này. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo tại Cấp cao APEC năm nay đã thảo luận về những cách thức để phối hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn nhằm chống khủng bố.
Trước khi hội nghị diễn ra, Philippines đã phải tăng cường an ninh với việc công bố 4 ngày nghỉ lễ trong dịp hội nghị, đóng cửa các trường học và nhiều doanh nghiệp. Gần 1.400 chuyến bay đã bị bãi bỏ để tạo điều kiện cho những chuyến bay tới lui của các nhà lãnh đạo đến dự hội nghị. Các con đường chính gần các địa điểm họp đã bị đóng cửa và trên 30 nghìn cảnh sát viên và binh sĩ đã được bố trí ở thủ đô. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng, tuy không nằm trong nghị trình APEC, song mọi diễn giả tại các cuộc họp cấp bộ trưởng đều đề cập đến vấn đề các vụ tấn công khủng bố ở Paris khi ngỏ lời chia buồn với các gia đình nạn nhân, kêu gọi đoàn kết giữa các dân tộc và quốc gia, cũng phải đưa thủ phạm ra trước công lý.
Sau hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã đưa ra tuyên bố chung trong đó lên án mạnh mẽ mọi hành động, phương thức, âm mưu khủng bố. Việc tuyên bố cũng đề cập đến các vụ tấn công tại thủ đô Beirut của Liban và vụ rơi máy bay Nga tại Sinai, cho thấy sự chuyển hướng của một diễn đàn vốn chỉ tập trung vào các vấn đề thương mại và kinh doanh. Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết trong chống khủng bố. Tuyên bố nêu rõ: "Chúng ta sẽ không cho phép khủng bố đe doạ đến các giá trị cơ bản vốn là nền tảng của các nền kinh tế tự do và mở cửa" Tuyên bố cũng nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa việc thiếu cơ hội kinh tế và khủng bố. Các nhà lãnh đạo cho rằng tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng và cơ hội nằm trong số những công cụ hữu hiệu để giải quyết tận gốc nguyên nhân cực đoan hoá và khủng bố, do đó cần phải thúc đẩy nỗ lực để loại trừ nghèo đói.