Vượt trở ngại Thời gian gần đây, nhiều thông tin lo ngại về việc các thị trường lớn đang dựng rào cản nhằm vào thủy sản Việt Nam để bảo hộ sản xuất trong nước, đặc biệt ở Mỹ. Thực tế nhiều quy định, vụ việc cũng đã gây phiền toái thậm chí thua thiệt cho các doanh nghiệp Việt Nam. Song, với việc Việt Nam gia nhập TPP thì ngành thủy sản gần như nhận được một giấy thông hành tốt nhất. Các thị trường mới nổi như Canada và Australia hứa hẹn cũng sẽ thu hút lượng lớn sản lượng xuất khẩu cho Việt Nam. Việc phá dỡ hàng rào thuế quan sẽ giúp Việt Nam có lợi thế rất đáng kể để tạo chỗ đứng tốt tại các nước này. Mỹ với khoảng 30% thị phần tôm xuất khẩu, Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai của thủy sản Việt Nam. Việc giảm thuế sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh đáng kể. TPP chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu và sự hiện diện ở các nền kinh tế này gần như là nền tảng để các nước có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nói riêng và khoa học kỹ thuật cũng như trình độ quản lý nói chung. Theo các nhà nghiên cứu, việc Việt Nam tham gia TPP đã ghi nhận những bước tiến rất quan trọng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế thị trường. Các sản phẩm của Việt Nam do đó được nhìn nhận bình đẳng hơn và thương hiệu cũng được nâng cao. Trong một thị trường tự do, rõ ràng giá cả được chính thị trường quyết định dựa trên uy tín thương hiệu. Song, việc công nhận một cách chính thức kèm với đó là những chính sách toàn diện, đặc biệt là việc đưa thuế suất về 0% với mặt hàng tôm sẽ tạo điều kiện cho tôm Việt Nam đi sâu vào các thị trường, ghi nhận sự tham gia đầy đủ của nền kinh tế Việt Nam vào TPP hứa hẹn sẽ tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc cho ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Phải cạnh tranh bằng giá Ưu đãi về thuế không thể thay thế được giá thành sản phẩm, bởi giá thành sản phẩm mới là sức mạnh cạnh tranh chính. Đơn cử như tôm nuôi ở Ấn Độ với thức ăn rẻ hơn Việt Nam 30% và giá bán tôm có thời điểm cũng rẻ hơn tôm Việt Nam 30% là thách thức không nhỏ. Bởi vậy mà một số chuyên gia đã bày tỏ trên các phương tiện đại chúng rằng dù thuế suất giảm thì tôm Việt Nam cũng vẫn khó cạnh tranh nổi với tôm Ấn Độ! Song, phân tích đánh giá cho thấy ngành tôm Ấn Độ cũng đang gặp nhiều khó khăn. 25 nhà máy lớn tại Ấn Độ năm 2014 đã sản xuất được tổng sản lượng thức ăn thủy sản đạt 1,25 triệu tấn thức ăn nuôi cá và nuôi tôm. Song thức ăn chủ yếu được bán chịu do đó chứa đựng nhiều rủi ro. Nhiều nhà máy thức ăn của Ấn Độ đứng trước nguy cơ phá sản do không cạnh tranh nổi với các nhà máy lớn. Tuy vậy, với ưu điểm chính là bột cá, bột thịt và bột đậu nành được sản xuất trong nước, chi phí sản xuất tôm Ấn Độ cỡ 40 con/kg từ 4 và 5 USD/kg, trong khi năm 2014, giá trung bình tôm Ấn Độ nhập khẩu vào Mỹ là 13,1 USD/kg. Nhiều người cho rằng lợi thế gia nhập TPP sẽ giúp thủy sản Việt Nam cạnh tranh với các mặt hàng giá rẻ hơn, nhưng rõ ràng nếu không tìm cách hạ giá thành sản phẩm thì các mặt hàng thủy sản Việt Nam cũng khó phát huy được những lợi thế khi TPP được ký kết và thực thi. Đề phòng các vụ kiện Đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khó khăn chủ yếu khi xuất khẩu vào Mỹ là thuế chống phá giá chứ không phải thuế nhập khẩu vì thuế nhập khẩu vào Mỹ khá thấp (0,3% đối với thủy sản sống và 4,7% đối với sản phẩm chế biến). Điều này cho thấy việc vào TPP không có nghĩa là thủy sản Việt Nam thoát được những vụ kiện chống bán phá giá và chủ trương bảo hộ sản xuất của các nước. Theo tính toán, việc thực hiện TPP sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành đánh bắt nuôi trồng và chế biến thủy sản tại một số nước, đặc biệt là Mỹ. Trước dư luận và những ý kiến lo ngại của nông dân nước này, phát ngôn viên của Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định: TPP bao gồm những điều khoản cứng rắn hơn về hải quan, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giúp Mỹ nhận diện những nguy cơ an toàn thực phẩm trước khi hàng hóa cập cảng tại Mỹ. Rõ ràng, việc gia nhập TPP giúp ngành thủy sản Việt Nam tránh được hàng rào thuế quan nhập khẩu, nhưng có thể sẽ phải đương đầu với những chính sách bảo hộ thắt chặt hàng hóa nhập khẩu bằng những “hàng rào mềm” như vấn đề thuốc kháng sinh, chất lượng, nguồn gốc và chống bán phá giá ngày càng khắt khe và quyết liệt từ các nước TPP. |