Đã xuất hiện tình trạng thương lái tích trữ lúa gạo rất nhiều để chờ giá lên cao. Nông dân cũng giữ lúa,álúagạotăngcaothươngláket qua lile không bán dù giá cao.
Lúa gạo khan hàng
Ở tỉnh Tiền Giang, thương lái đang lùng sục tìm mua lúa của nông dân. Thậm chí nhiều thương lái phải nhờ “cò” lúa nhưng vẫn không mua được bao nhiêu.
Đang ngồi giữ đống lúa to đùng, thương lái Nguyễn Văn Hải ở xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy khoe: “Tôi đã trữ được trên 170 tấn lúa các loại. Với giá lúa tăng 700-1.000 đồng/kg so với trước đây, sau khi trừ chi phí, tôi có thể lãi trên 100 triệu đồng. Năm nay, hạn hán gay gắt và tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng tốt nên tôi quyết định vay tiền để mua tạm trữ lúa”.
Cả thương lái và người nông dân đều chạy đôn, chạy đáo tìm nguồn cung lúa gạo găm hàng chờ giá lên cao. Ảnh ST
Ông Hồ Văn Minh, thương lái mua lúa ở tỉnh Đồng Tháp đã dự trữ được gần 100 tấn lúa IR50404, OM 4900 và đang tìm mua thêm khoảng 50 tấn nữa. Tuy vậy, ông Minh than thở: “Tôi đậu ghe ở vùng này gần ba ngày rồi mà chỉ mua được trên năm tấn lúa. Nhiều nông dân chất lúa đầy nhà mà không chịu bán”.
Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang Lê Thanh Khiêm nhận định: “Hiện các công ty lương thực đang phải mua lúa gạo với giá rất cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài thời điểm giá còn thấp”.
Việc các doanh nghiệp và thương lái tranh nhau mua đã đẩy giá lúa gạo liên tục tăng cao. Lúa khô IR 50404 hiện khoảng 5.600-5.700 đồng/kg, lúa Jasmine 85 giá 6.100 - 6.200 đồng/kg.
Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho hay: “Giá lúa đã tăng khoảng 500 đồng/kg so với đầu vụ. Giá lúa tăng đều ở tất cả tỉnh, thành trong vùng”.
Cụ thể, ngày 17/3 giá chào bán gạo của các doanh nghiệp VN tăng khoảng 5-10 USD/tấn so với tuần trước, lên mức 375-385 USD/tấn (gạo 5% tấm) và 355-365 USD tấn (gạo 25% tấm). Giá chào bán gạo của VN hiện đã cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Campuchia và ngang bằng với gạo Thái Lan.
Ông Trần Ngọc Trung, giám đốc Công ty cổ phần Vinh Phát (TP.HCM), cho hay giá xuất khẩu lúa gạo của VN tăng lên trong thời gian qua do các doanh nghiệp tập trung gom hàng để giao cho các hợp đồng đã ký trước đó, nhất là các hợp đồng tập trung với số lượng lớn.
Kết quả xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm nay cũng phản ánh rất rõ điều này. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), trong hai tháng đầu năm 2016, VN xuất khẩu trên 856.000 tấn gạo, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tăng số lượng này chủ yếu do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng cấp chính phủ với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc.
Các công ty xuất khẩu gạo cho rằng giá lúa gạo thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký kết là rất lớn. Chưa kể do ảnh hưởng của thời tiết hạn hán và xâm nhập mặn, sản lượng lúa vụ đông xuân và hè thu tới tại ĐBSCL sẽ bị giảm đáng kể.
Vì giá lúa gạo tăng mạnh?
Lý giải nguyên nhân khiến giá lúa gạo “nhảy múa”, nhiều ý kiến cho rằng do năng suất, sản lượng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long giảm do bị ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn và hạn hán gay gắt.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy tính đến giữa tháng 2 vừa qua, diện tích vụ lúa đông xuân ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán trên 340.000 ha, chiếm gần 22% toàn vùng. Trong đó diện tích đã bị ảnh hưởng nặng lên đến 104.000 ha. Trước thông tin này, nhiều người có tâm lý tích trữ lúa gạo chờ giá cao nữa mới bán.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo tháng 2 vượt kế hoạch đề ra 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 117%.
Xuất khẩu tăng đột biến là do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm ngoái còn nhiều, đặc biệt là các hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại với Trung Quốc. Tuy vậy VFA lưu ý mặc dù giá thị trường đang có xu hướng tăng do nguồn cung giảm nhưng nhu cầu vẫn còn yếu nên chưa tạo động lực mới.
Đại diện một số công ty lương thực cũng nhìn nhận giá lúa gạo bị đẩy lên cao do ai cũng có tâm lý cho rằng hạn hán dẫn đến thiếu lúa gạo, thậm chí có cả tâm lý đầu cơ.
“Đúng là hạn và xâm nhập mặn góp phần làm tăng giá lúa gạo. Nhưng có thể tới đây mặt hàng này sẽ giảm vì với mức giá cao như hiện nay thì gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các nước” - ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cảnh báo.
Chủ động sẽ giảm thiệt hại
Giá lúa gạo tăng cao có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp lại “méo mặt”. Bởi mức giá gạo cao không tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thậm chí có công ty không dám thu mua.
“Với một loại gạo cùng phẩm cấp, lâu nay gạo Việt Nam sẽ khó có thể bán với giá cao hơn so với gạo Thái Lan. Thế nhưng hiện giá gạo 5% tấm ở trong nước 380-390 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ 360 USD/tấn nên chúng ta rất khó bán cho thị trường thế giới” - ông Bình dẫn chứng.
Song với các công ty chủ động được nguồn nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu với nông dân thì không gặp nhiều khó khăn. Đơn cử Công ty Trung An nhờ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu nên đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao cho các đơn hàng xuất khẩu và ký được giá tốt. Tính đến hết quý I-2016, công ty này đã ký được hợp đồng xuất khẩu 15.000 tấn gạo các loại. Đặc biệt các đơn hàng đều là gạo thơm chất lượng cao với giá thấp nhất 420 USD/tấn, cao nhất 780 USD/tấn.
Xuất khẩu gạo cấp thấp tăng hơn 20 lần
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết vụ đông xuân năm nay không đề xuất thu mua tạm trữ lúa gạo như các năm trước. Bởi với mức giá cao như hiện nay, mua tạm trữ là không cần thiết.
Cũng theo VFA, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu gạo nước ta trong hai tháng đầu năm nay tăng mạnh. Cụ thể gạo trắng tăng 4,7 lần, gạo thơm tăng 48%, gạo cấp thấp tăng hơn 20 lần và nếp tăng 3,7 lần.
Giá lúa gạo tăng cao do thương lái ào ạt mua vào, lo sợ đồng bằng sông cửu long hạn hán khan hiếm lúa gạo. Ảnh ST
Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm tăng mạnh nhưng hợp đồng còn lại chưa thực hiện vẫn còn nhiều, gần 1,4 triệu tấn. Điều này sẽ giúp giữ được tiến độ xuất khẩu trong vài tháng tới, chưa tính các hợp đồng ký mới.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ma Quang Trung, cục trưởng Cục Trồng trọt, xác nhận tính đến thời điểm hiện tại tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại cho khoảng 180.000ha lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL. Trong đó có 100.000ha thiệt hại nặng (trên 70% sản lượng), trên 40.000ha giảm từ 30-70% sản lượng, còn lại là diện tích bị thiệt hại nhẹ, giảm khoảng dưới 30% so với sản lượng thông thường. “Như vậy, vụ đông xuân này ĐBSCL bị giảm khoảng 600.000-700.000 tấn lúa” - ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, những năm gần đây mỗi năm VN đều sản xuất dư khoảng 7-8 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Do vậy, lượng thiếu hụt này nếu có chỉ ảnh hưởng đến lượng gạo xuất khẩu chứ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước.
Hơn nữa, theo ông Trung, sản lượng lương thực có thể được bù đắp bởi hai vụ cuối năm là hè thu và thu đông khi tình hình thời tiết thuận lợi trở lại và giá lúa tăng lên.
Giá lúa gạo tăng, nông dân phấn khởi
Nhiều nông dân ở Cà Mau, Long An, Đồng Tháp… cho hay năm nay lúa thu hoạch bao nhiêu đều được thương lái, doanh nghiệp thu mua hết, không bị ép giá như trước đây.
Anh Phan Văn Tuấn, nông dân ở xã Phong Thạnh Tây A, huyện Giá Rai, Bạc Liêu tính toán với giá lúa bình quân 5.300 đồng/kg như những ngày qua, anh lãi khoảng 56%. Cụ thể, 1 ha lúa của anh với năng suất ước đạt 7,5 tấn, sau khi trừ chi phí khoảng 17 triệu đồng, lãi 22 triệu đồng. “Giá lúa như thời điểm này khiến nông dân rất phấn khởi vì có lời” - anh Tuấn nói.
Vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Theo VFA, trong khi các hợp đồng tập trung mới với Philippines và Indonesia chưa thể ký kết, xuất khẩu gạo của VN trong thời gian tới sẽ tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Hiện các thương nhân của nước này đã tăng cường nhập khẩu trở lại sau khi mất vị trí là nhà nhập khẩu gạo số 1 của VN vào tay Indonesia. Không chỉ gạo trắng, khách hàng Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn về gạo nếp và gạo thơm từ Việt Nam.
Hồng Anh(T/h)