Vướng thủ tục,ảingânvốnđầutưcôngchậmÁplựcdồnvàocuốinăbongfaso nhiều dự án vẫn dậm chân tại chỗ
Theo Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư 8 tháng năm 2018 có cao hơn so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân nhìn chung vẫn còn thấp. Theo số liệu báo cáo giải ngân của Kho bạc Nhà nước, có 30/56 bộ, ngành trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% kế hoạch năm; trong đó, còn 9 bộ, ngành trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Một số bộ, ngành trung ương đến thời điểm hiện nay còn chưa giải ngân kế hoạch vốn (Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá; Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam).
Giải ngân vốn trong nước, đến thời điểm hiện nay một số dự án khởi công mới trong năm 2018 vẫn đang trong giai đoạn triển khai lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng để tạm ứng, thanh toán (Dự án Xây dựng trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội; Dự án Mua tài sản và nhận chuyển giao cơ sở nhà đất của Trường tiểu học tư thục Nguyễn Văn Huyên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo...). Một số dự án chuyển tiếp vẫn chưa hoàn thiện thủ tục chuyển giao bộ chủ quản cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân các dự án (Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc từ Bộ Xây dựng sang Đại học Quốc gia Hà Nội).
Đáng chú ý, một số dự án có nguồn vốn lớn đang thực hiện việc điều chỉnh dự án (điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thiết kế...) do vậy ảnh hưởng tiến độ giải ngân (Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thuộc Bộ Y tế). Hay như nguồn vốn thuộc Chương trình Hỗ trợ nhà ở người có công của các địa phương, hiện nay vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn do cơ chế trước đây hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp, nay thực hiện theo vốn đầu tư công thì phải tuân thủ theo Luật Đầu tư công. Tuy nhiên quy trình thủ tục thực hiện theo Luật Đầu tư công lại không thực hiện được. Đến nay, tại nhiều địa phương vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào từ nguồn vốn này.
Cần đẩy mạnh phân cấp trong quản lý vốn đầu tư công
Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, vướng mắc trong một số quy định pháp luật về Luật Đầu tư công cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng đã được chỉ ra gây chậm tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công. Theo đó, quy trình, thủ tục đầu tư được quy định chung cho tất cả các dự án, nguồn vốn; chưa xem xét đến tính chất đặc thù của các chương trình, dự án, các nguồn vốn đầu tư công; chưa tăng cường phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn làm kế hoạch vốn bị giao chậm, thành nhiều đợt trong năm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Bên cạnh đó, quy định giải ngân kéo dài gây áp lực giải ngân dồn vào cuối năm.
Theo ông Lê Tuấn Anh, khâu tổ chức thực hiện là yếu tố quan trọng để cải thiện tình trạng giải ngân ở các bộ, ngành, địa phương, bởi vì cùng điều kiện giống nhau nhưng đã có sự chênh lệch tỷ lệ giải ngân giữa các đơn vị. “Những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn là do các đơn vị này có những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo công tác giải ngân như: giao nhiệm vụ cụ thể đến từng chủ đầu tư, ban quản lý dự án; đôn đốc, kiểm điểm tình hình thực hiện của từng dự án theo hàng tháng, quý; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi có kiến nghị”, ông Lê Tuấn Anh cho hay.
Vốn đầu tư công chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi đầu tư của xã hội. Do vậy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng GDP. Để khắc phục tình trạng này và tránh dồn việc giải ngân vào cuối năm, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có việc điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án khác và kiểm điểm trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư có dự án giải ngân chậm...
Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, đồng thời chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị đẩy mạnh phân cấp trong quản lý vốn đầu tư công (từ khâu lập, thẩm định chủ trương đầu tư...) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gắn với nâng cao trách nhiệm từng cấp phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.
Được biết, hiện nay Bộ Tài chính đang đẩy mạnh việc xây dựng dự án Đầu tư tài chính theo mô hình quản lý dữ liệu tập trung nhằm quản lý chặt chẽ kế hoạch và thanh toán vốn đầu tư của từng dự án, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành kế hoạch và giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Minh Anh