Theo quy hoạch tổng thể phát triển logistics theo Quyết định số 2072 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua tối thiểu khoảng 15%-20% và đến năm 2030 là khoảng 25%-30% nhu cầu hàng hóa vận tải container thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông qua 4.035.000-6.845.000 TEU/năm (năm 2020), và 12.000.000-17.600.000 TEU/năm (năm 2030). Trong đó, năm 2020, miền Nam đạt 3.250.000-4.860.000 TEU/năm, và đến năm 2030, đạt khoảng 8.900.000-12.150.000 TEU/năm. |
Chi phí dịch vụ logistics cao ngất ngưởng
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng chi phí logistics ở Việt Nam đang ở mức 20,9% GDP. Chi phí logistics cao đang là một rào cản lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó chi phí logistics cho đường bộ chiếm tới 90%, các phương thức khác 10%.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, ngành dịch vụ logistics Việt Nam có xuất phát điểm thấp so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đặc điểm lịch sử của nước ta nên ngành logistics của Việt Nam phát triển chưa cao. Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm. Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 DN tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong số đó 70% có trụ sở ở khu vực TP.HCM và có khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia.
Theo các chuyên gia, các công ty logistics đa quốc gia tuy chỉ khoảng 30 công ty nhưng chiếm thị phần đáng kể. Bởi lẽ, các công ty đa quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do công ty mẹ ký với các chủ hàng lớn có mạng lưới toàn cầu, trình độ quản lý tiên tiến nên có nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Trong khi đó, thế mạnh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là đầu tư, khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, đầu tư-khai thác kho và có đội ngũ nhân sự lành nghề. Hiện nay, các DN logistics thuần Việt cũng đã có khả năng cung cấp hầu hết các dịch vụ thuộc chuỗi cung ứng dịch vụ logistics như vận tải nội địa và quốc tế, dịch vụ khai thác cảng và ICD, dịch vụ kho hàng, bãi, phân phối cũng như các dịch vụ mang tính giá trị gia tăng…
Với hệ thống cảng biển lớn, các tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng có lợi thế chiến lược về cảng biển, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM có nguy cơ mất lợi thế về nguồn lợi về logistics do hàng hóa XNK nhiều và hàng trung chuyển ít; Hạ tầng đầu tư chưa tương xứng với năng lực dịch vụ XNK của thành phố (kẹt xe, không có bãi trung tâm…). Điển hình, TP.HCM là trung tâm lớn nhất cả nước về phát triển dịch vụ logistics, trong đó nổi bật là khai thác cảng biển container, trung tâm lưu trữ phân phối hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa XNK. Số liệu về XNK cho thấy các cảng container thuộc TP.HCM chiếm trên 60% sản lượng hàng hóa XNK cả nước (năm 2017 cả nước đạt 14,3 triệu teus) tuy nhiên, việc quy hoạch chưa đồng bộ, chưa có đầu tư đúng mức về hạ tầng giao thông bộ, thủy, cũng như các dịch vụ liên quan nên chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc marketing Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái, ICD khu vực Thủ Đức, Deport khu vực Sóng Thần, Linh Trung và khu vực lân cận cầu Đồng Nai. Việc tập trung này gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, tắc đường xảy ra thường xuyên, xe quay vòng chậm, các chi phí phát sinh vì thế tăng thêm. Các cơ sở logistics rất manh mún, không thành một nơi tập trung như các làng vận chuyển hàng hóa (Freight Village) hay các trung tâm logistics ở nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ việc tăng hiệu quả logistics, do đó hoạt động còn phân tán và gặp nhiều khó khăn.
Cần bước đi đột phá
Để phát triển dịch vụ logistics, kéo giảm chi phí của DN cho dịch vụ này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Theo chỉ thị này, đối với đường bộ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, từng bước xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt. Đối với hàng hải, phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, trong đó tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa; tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý cảng biển, hãng tàu biển nước ngoài để thu hút nguồn hàng thông qua cảng biển Việt Nam.
Ngoài ra, các bộ ngành, địa phương cần nghiên cứu, hình thành phát triển các kết nối cảng biển, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa như: Thực hiện các giải pháp thu hút, phân luồng hàng hóa để khai thác có hiệu quả khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải; nghiên cứu triển khai dự án đầu tư luồng Cái Mép-Thị Vải để các tàu trọng tải đến 160.000 tấn hành hải 24/24h vào khu bến cảng Cái Mép-Thị Vải (đặc biệt là đoạn luồng từ phao số “0” đến bến cảng CMIT).
Trước đó, tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 2072/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển; góp phần giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics...
Theo các chuyên gia, để dịch vụ logistics các tỉnh miền Đông Nam bộ- Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, giảm chi phí cho DN, cần phải phát triển các trung tâm logistics ở khu vực này, mà trọng tâm là TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các trung tâm logistics này kết nối chặt chẽ với các cảng biển và các cảng cạn (ICD). Hiện tại các tỉnh miền Đông Nam bộ có khoảng 20 ICD, trong đó phần nhiều ở TP.HCM, còn lại tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... Nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển hàng hóa qua các cảng TP.HCM, UBND TP.HCM đã kiến nghị bộ Giao thông vận tải xây dựng và quy hoạch nhiều cảng cạn trên địa bàn. Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị quy mô xây dựng cảng Long Bình (quận 9) là 50ha. Cảng này phục vụ cho việc di dời cảng Trường Thọ (50ha), chủ yếu tiếp nhận hàng hóa từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương (giai đoạn hiện tại khoảng 20 triệu tấn/năm, tăng trưởng bình quân 10%/năm) để vận chuyển bằng đường thủy đi đến các khu vực Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.800 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2019. UBND TP.HCM cũng kiến nghị quy hoạch bổ sung cảng cạn tại khu vực huyện Củ Chi, quy hoạch bổ sung 3 cảng cạn cho khu vực quận 2, quận 9, tổng cộng gần 50ha. Ngoài ra, nằm trong đề án “Phát triển ngành logistics TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TP.HCM đang quy hoạch hai trung tâm logistics (tại phía Bắc thành phố và phía Nam thành phố) từ 40 đến 70ha để đẩy mạnh hoạt động logistics của thành phố và khu vực.
Với việc phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, cảng cản (ICD), các trung tâm logistics cũng như hệ thống giao thông thủy, bộ, và tiến tới đường sắt, chắc chắn hệ thống cảng biển nhóm 5 sẽ phát triển vượt bậc, là đầu tàu cho hệ thống cảng biển Việt Nam; giảm sâu chi phí dịch vụ logistics của DN, không còn ở mức quá cao (20,9% GDP) như hiện nay mà sẽ giảm ngang với các nước trong khu vực, tạo sức cạnh tranh cho cộng đồng DN trong nước, thúc đẩy nền kinh tế cả nước phát triển mạnh mẽ hơn.
* (Bài 4: Đồng hành cùng doanh nghiệp cảng biển)