Doanh nghiệp khó khăn bắt nguồn từ thiếu vốn, từ khả năng hạn chế trong tiếp cận vốn là điều đã được đề cập quá nhiều. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 khó khả thi dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định một lần nữa tại nghị trường Quốc hội (kỳ họp thứ 6) cũng là điều được khuyến cáo từ các chuyên gia và thừa nhận từ chính các NHTM. Nhưng vì sao ngân hàng không thể cải thiện tín dụng và doanh nghiệp không thể tăng khả năng "ngậm vốn"?
Năm 2010, có 43.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động. Nhưng chỉ sau đó 1 năm, con số này "tăng trưởng” lên đến 53.000 DN, tăng hơn 10.000 DN. Năm 2012, mức "tăng trưởng” có giảm nhưng trường hợp bị giải thể và ngừng hoạt động vẫn còn 54.000 DN, so với năm trước đó tăng hơn 1.000 DN. Đến hết tháng 8-2013, trên địa bàn cả nước có 48.000 DN giải thể và ngừng hoạt động.
NHTM thở dài trước sức khỏe DN
Cơn bão nợ xấu quét qua hệ thống ngân hàng để lại những tàn tích không dễ gì xóa bỏ được dù các NHTM đã, đang và sẽ nỗ lực để giải quyết. Xét trong bối cảnh ấy, những con số như chỉ dấu về sức khỏe của doanh nghiệp càng khiến các NHTM và cụ thể là cán bộ tín dụng thở dài trước các hồ sơ vay từ doanh nghiệp.
Xin dẫn ra một con số ấn tượng sau: Dự báo 2013 sẽ có hơn 70.000 DN giải thể và ngừng hoạt động. Nếu như năm 2012, bình quân mỗi tháng có 4.500 DN giải thể và ngừng hoạt động, thì tính đến cuối quý III-2013, mức bình quân DN giải thể và ngừng hoạt động lên đến 6.000 DN/tháng, tăng hơn 1.500 DN/tháng so với 2012.
Không chỉ "tăng trưởng” về chỉ số giải thể và ngừng hoạt động, nhiều DN mặc dù nằm trong danh sách đang hoạt động nhưng công suất bị cắt giảm lên đến 30%-50%.
Có thể nói chính những DN nằm trong danh sách nói trên là con nợ của không ít món nợ xấu mà hệ thống NHTM đang phải đau đầu xử lý. Qua kết quả kinh doanh 9 tháng có thể thấy, ngân hàng nào có số nợ xấu tăng thì lợi nhuận bị sụt giảm mạnh do phải tăng trích lập dự phòng, nhất là với nợ chuyển sang nhóm mất vốn (trích lập 100% khoản nợ).
Số tiền trích lập dự phòng lên tới vài trăm, vài nghìn tỷ đồng chưa dừng lại, mà có thể sẽ tăng lên nếu ngân hàng không tích cực xử lý nợ xấu hoặc bán nợ sang cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Do vậy, từ bây giờ đến hết năm, công tác thu hồi nợ xấu được các NHTM chú trọng có lẽ còn hơn cả việc nỗ lực tăng trưởng tín dụng.
Vì xét đến cùng điều này khả thi hơn cho nỗ lực kéo vãn tăng trưởng lợi nhuận năm của NHTM. Nhiều cán bộ NHTM được phân công thu hồi nợ xấu tâm sự đã phải xuống nước đi thuyết phục hết cỡ các con nợ mà vẫn không thể làm gì trước các cá thể trây ỳ.
Nỗ lực cứu tăng trưởng tín dụng không thành
Một trong những động thái nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và sâu xa nữa là cứu vãn tăng trưởng tín dụng chính là việc NHNN ra Công văn ngày 14-10 cho phép ngân hàng giải ngân vốn mới đối với doanh nghiệp có nợ xấu. Tuy vậy, theo khảo sát của đồng nghiệp từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, một số ngân hàng tại khu vực TP. HCM cho rằng không nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này. Vì sao lại vậy?
Trong Công văn tưởng là "cởi" này lại có quy định biến câu chuyện trở nên "thắt". Đó là quy định “phương án khả thi, thẩm định hiệu quả hoàn vốn của dự án, đảm bảo thu hồi được nợ”. Trong bối cảnh hiện này thì chủ trương này sẽ không giúp ngân hàng giải ngân được vốn.
Vì để có một hồ sơ đem đến ngân hàng vay vốn là cả quá trình. Như doanh nghiệp muốn đầu tư một dự án thì đã nghiên cứu trước đó nhiều tháng, sau đó thấy chín muồi thì doanh nghiệp mới nói chuyện với ngân hàng; ngân hàng cũng phải mất nhiều thời gian để thẩm định rồi mới quyết định cho vay.
Trong khi chủ trương này hết hiệu lực vào cuối tháng 12 năm nay thì khả năng doanh nghiệp được vay là khó. Đó là chưa kể, đối với các doanh nghiệp đang có nợ xấu thì lại ít nghĩ đến chuyện phát triển kinh doanh thêm, nên không có nhu cầu vay mới, việc họ quan tâm là tìm cách trả nợ cũ thông qua hoạt động kinh doanh hiện tại mà thôi.
Từ góc độ của các NHTM việc lý giải cần phải cân nhắc kỹ càng đối với từng khoản vay, không phải không có lý trước bài toán an toàn nguồn vốn. Cụ thể, NHTM phải cân nhắc xem dự án được thực hiện, mức lợi nhuận mang lại có thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn và có thể trả được nợ cũ cho ngân hàng hay không. Nếu không như kỳ vọng, ngân hàng cũng sẽ không cho vay.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank trả lời báo chí cho rằng, Sacombank cũng đang cố gắng giúp những doanh nghiệp gặp khó tạm thời và có phương án kinh doanh tốt được vay nợ mới. Tuy vậy, từ khi triển khai công văn này, số doanh nghiệp đăng ký vay không nhiều.
Riêng ngân hàng khi xem xét cho vay cũng sẽ chọn lọc kỹ càng để tránh phát sinh thêm nợ xấu. Tuy nhìn nhận đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng còn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng thì đây không phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao vì đối tượng vay rất hạn chế, ông Khang nói.
Vậy câu chuyện trên thực chất nói lên điều gì? Đó là cách thức chúng ta giải cứu cho doanh nghiệp và cả hệ thống NHTM chưa trúng và cái nhìn còn ngắn hạn, dẫn đến không khả thi. Nếu vẫn không thay đổi cách đưa ra chính sách, thì e rằng, con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động chưa dừng ở mức kỷ lục nói trên. Và nợ xấu ngân hàng cũng theo đó khó lòng được giải quyết một cách căn cơ.
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, vị đại biểu luôn nổi bật với những ý kiến xác đáng- ông Trần Du Lịch đã phải thốt lên rằng “Trách nhiệm của Quốc hội và cả hệ thống chính trị là không để kinh tế tiếp tục trì trệ, để hệ lụy kéo dài trong tương lai”. Muốn vậy phải bắt đầu từ việc sốc lại các trụ cột của nền kinh tế - các loại hình doanh nghiệp. Hãy chuyển hóa ý chí chính trị thành những chính sách thiết thực, đúng lúc.
Thương Vũ