| Các DN ngưng hoạt động chủ yếu thuộc thành phần kinh tế tư nhân |
Gần 7.000 doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ Theo Cục Thuế TPHCM, trong số doanh nghiệp ngừng hoạt động nêu trên, bao gồm 3.491 doanh nghiệp giải thể, 7.193 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, 3.397 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân (98,15%), hoạt động từ 3 đến 9 năm (51,59%). Trong đó, số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất (38,16%), tiếp theo là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo (10,5%), doanh nghiệp xây dựng (9,52%) và doanh nghiệp kinh doanh BĐS (8,81%). Các doanh nghiệp ngừng hoạt động tập trung nhiều nhất ở quận 1 (9,68%) và quận Tân Bình (8,74%). Sau thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Cục Thuế TPHCM đã chỉ đạo các chi cục thuế tăng cường công tác rà soát mã số thuế, bảo đảm kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Tính đến đầu tháng 7/2020, tổng số doanh nghiệp (mã 10 số) đang hoạt động là 254.899. Đáng chú ý, số doanh nghiệp phát sinh tăng cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động (so với thời điểm đầu năm). Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TPHCM phát sinh mới 18.960 doanh nghiệp, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động là 18.743. Trong số doanh nghiệp mới thành lập có 8 doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn, trên 50 tỷ đồng; 2.878 doanh nghiệp tái hoạt động; 166 doanh nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến. Các doanh nghiệp mới thành lập hoạt động nhiều nhất ở các ngành bán buôn, bán lẻ (36,34%), kinh doanh bất động sản (13,63%), khoa học công nghệ (16,62%), tập trung nhiều nhất ở địa bàn quận 1 (24,03%), quận 7 (18,38%). “Cứu” doanh nghiệp tái hoạt động Theo Cục Thuế TPHCM, trong nửa đầu năm 2020 có gần 3.000 doanh nghiệp tái hoạt động, chính vì thế, đơn vị sẽ triển khai các giải pháp để hỗ trợ, “cứu” doanh nghiệp tái hoạt động, tránh thấp nhất số lượng doanh nghiệp phá sản. Hiện Cục Thuế TPHCM đang thực hiện rà soát các doanh nghiệp trọng điểm, các ngành sản xuất kinh doanh trọng điểm trên địa bàn thành phố, tình hình ngưng, nghỉ, giải thể của doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, thống kê tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này, các ngành nghề sản xuất kinh doanh này trong các năm trước liền kề, nắm bắt số liệu doanh nghiệp dự kiến ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh để dự kiến nguồn thu giảm trong các tháng tiếp theo và của năm 2020. Bên cạnh đó, chủ động rà soát tình hình khai nộp của doanh nghiệp, đôn đốc kê khai hồ sơ quyết toán thuế và nộp kịp thời số phát sinh chênh lệch quyết toán năm 2019 vào ngân sách Nhà nước đối với các trường hợp không thuộc diện gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Đánh giá tác động của dịch bệnh đến các doanh nghiệp, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, dịch bệnh tác động sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản rất lớn. Khi doanh nghiệp phá sản rồi hoạt động trở lại không được, nên phải hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động. TPHCM có trách nhiệm cực kỳ quan trọng là không để họ phải đóng cửa. Theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, ảnh hưởng từ đại dịch Cobid-19 đã tác động lớn đến nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh phải tạm thời đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Theo thống kê của Cục Thuế TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 255.904 doanh nghiệp, tổ chức và 43.778 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng được giãn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP. Riêng về cá nhân kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngưng nghỉ theo Nghị quyết 42/NQ-CP, số lượng dự kiến được hỗ trợ là khoảng 47.561 người. Tính đến ngày 1/7, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn thuế của 41.498 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và hộ gia đình, với tổng số tiền thuế đề nghị gia hạn 13.002 tỷ đồng. Hiện Cục Thuế TPHCM đang rà soát để thực hiện các bước hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân một cách nhanh nhất, góp phần cứu doanh nghiệp tái hoạt động, tránh phá sản. |