Khó nhiều bề
Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết: Gạo Việt XK ngày càng gặp nhiều khó khăn bởi chưa xây dựng được thương hiệu. Một trong những nguyên nhân chính là chưa đầu tư đúng mức cho sản xuất, phát triển giống. Trong khi Thái Lan chỉ tập trung vào một số giống lúa nhất định, thì Việt Nam có hàng trăm giống lúa nhưng vẫn chưa chọn được giống nào có thể ổn định lâu dài, xây dựng thương hiệu. Thông thường giống lúa của Việt Nam chỉ sản xuất được trong thời gian ngắn rồi bị thoái hóa. Một hạn chế khác trong xây dựng thương hiệu gạo được ông Khiêm chỉ ra là tập quán sản xuất gạo Việt Nam chủ yếu theo thói quen pha trộn các loại gạo với nhau khiến cho chất lượng gạo thiếu ổn định, đồng bộ.
Theo “Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 5-2015, mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2020 xây dựng thương hiệu gạo gắn với lịch sử văn hóa, truyền thống, chất lượng sản phẩm và lợi thế của Việt Nam; đưa hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường XK thông qua một chương trình dài hạn, đồng bộ và kết hợp với quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa nông nghiệp, đất nước và con người Việt Nam. Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản, phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam. |
Có cùng nỗi băn khoăn về chi phí khi xây dựng thương hiệu, ông Cao Tuấn Nam, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp sạch Tháp Mười cho biết, Công ty đang xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ để XK. Hiện tại, Công ty đang bán với giá 650 USD/tấn gạo. Dự kiến, sau khi xây dựng thành công thương hiệu, mức giá bán có thể được nâng lên khoảng 700-850 USD/tấn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là để xây dựng thương hiệu gạo DN phải mất chi phí rất lớn. Ngoài ra, hiện DN đã tìm được khách hàng nhưng muốn XK được lại phải thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Thông qua VFA khiến DN mất nhiều thời gian, đồng thời bị hạn chế phải chờ phân bổ chỉ tiêu. Tất cả những điều này khiến cho DN không định hướng được. DN mong có thể XK trực tiếp với đối tác của mình.
Nâng vai trò của DN
Ông Khiêm cho rằng, để giải quyết vấn đề nguồn giống trong xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, có thể chọn một số giống đem bảo tồn gen nhằm đảm bảo tính ổn định. Để rút ngắn việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, nên sử dụng các giống sẵn có của các DN đã làm. “Nếu muốn chúng ta có thể làm theo kiểu chọn lấy 3 giống như: Gạo thơm Việt Nam, gạo đặc sản Việt Nam, gạo chất lượng cao Việt Nam. Từ những cái tên đó, chọn lọc kỹ lưỡng thấy giống nào phù hợp chúng ta xây dựng tiêu chí đánh giá, kiểm tra để biết các giống đó có đạt tiêu chuẩn hay không”, ông Khiêm nói.
Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đánh giá, muốn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, điều quan trọng còn cần phát triển được thị trường, vì nếu có thương hiệu nhưng thị trường nhỏ lẻ thì thương hiệu không thể tồn tại được. Tuy nhiên, để bước được ra thị trường thế giới, trước hết phải hướng tới thị trường nội địa trước vì thị trường nội địa tiêu thụ tới 30-40% lượng gạo sản xuất ra. Tập trung cho thị trường nội địa để người Việt Nam biết đến thương hiệu gạo của Việt Nam, từ đó mới vững vàng tiến được ra thị trường các nước khác.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban kinh tế Trung ương: Muốn xây dựng thương hiệu, ngành gạo phải thay đổi nhiều thứ chứ không đơn thuần chỉ là làm thế nào để thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Quan trọng là phải xây dựng mô hình thể chế, khung chính sách cho ngành hàng gạo với đầy đủ các khía cạnh như: Thuế, tín dụng, sản xuất, XK... Căn cứ vào đó vạch rõ ra trong xây dựng thương hiệu, Nhà nước làm gì, DN làm gì. Mọi thứ cần sự rõ ràng, trong đó vai trò của DN cũng cần được nâng lên.
Cũng đánh giá cao vai trò của DN trong xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, để thúc đẩy việc sử dụng thương hiệu trong bối cảnh sản xuất, thương mại hiện nay phải xác định DN là chủ thế trong xây dựng thương hiệu. Nhà nước cần có chính sách, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào quá trình này.