Đó là một số kết quả thực hiện các giải pháp tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2016.
Chi NSNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả
Theo báo cáo kết quả THTK, CLP năm 2016 của Chính phủ được gửi tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2016 trong bối cảnh xuất hiện nhiều yếu tố không thuận, tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và nguồn thu của NSNN. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra một số giải pháp tăng cường THTK, CPL và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả trong năm 2016.
Trước tiên là việc thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tiết kiệm triệt để NSNN như: Không thanh toán, bổ sung dự phòng ngân sách đối với kinh phí thường xuyên đã giao dự toán nhưng đến ngày 30/6/2016 các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu; tiết kiệm 10% chi thường xuyên để cải cách tiền lương; giữ lại 10% dự toán NSNN các cấp và giữ lại 50% dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016. Tổng số các khoản tiết kiệm được khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, Chính phủ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chi NSNN chặt chẽ, góp phần chống lãng phí. Năm 2016, Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị xử lý tài chính 16.742,5 tỷ đồng, trong đó: Kiến nghị thu nộp NSNN 8.446,4 tỷ đồng; giảm chi NSNN 696,3 tỷ đồng; giảm quyết toán, không thanh toán kinh phí 293,6 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 7.306,2 tỷ đồng. Hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát 753.307 tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, bằng 90% dự toán năm, đã phát hiện 28,8 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối thanh toán 42 tỷ đồng; từ chối thanh toán vốn đầu tư 149,8 tỷ đồng, do các chủ đầu tư đề nghị thanh toán không đúng đối tượng, thủ tục đầu tư không đúng quy định....
Đồng thời, Chính phủ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 38-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài. Cụ thể, kinh phí NSNN chi cho đoàn ra năm 2016 là 2.557 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2015.
Đặc biệt, trong công tác quản lý nợ công, Chính phủ có các biện pháp quản lý an toàn như xây dựng chiến lược, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hàng năm và các chỉ tiêu giám sát nợ, có chế tài quy định rõ trách nhiệm về vay, trả nợ của các doanh nghiệp theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Công tác quản lý nợ về cơ bản đã đạt được mục tiêu. Ví dụ, các chỉ tiêu về nợ cơ bản nằm trong giới hạn cho phép như tỷ lệ nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ 50,3% GDP…
Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.... Việc tăng cường công tác giao quyền tự chủ về tổ chức, biên chế và tài chính cho các bộ, ngành, địa phương góp phần sử dụng NSNN tiết kiệm, hiệu quả hơn; thúc đẩy sắp xếp lại tổ chức theo hướng tinh gọn và bố trí nhân sự hợp lý hơn.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh, các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc các giải pháp tăng cường THTK, CLP theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhiều bộ, ngành, địa phương đạt kết quả cao trong THTK, CLP kinh phí NSNN. Điển hình như TP. Hà Nội đã thực hiện rà soát các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến dịch vụ công ích, qua đó đã điều chỉnh, cắt giảm kinh phí NSNN 1.789,8 tỷ đồng trong các lĩnh vực như công viên cây xanh, vệ sinh môi trường, thủy lợi...
Năm 2017, triệt để tiết kiệm ngay từ khâu lập dự toán
Để phát huy những kết quả đạt được về THTK, CLP trong lĩnh vực NSNN, năm 2017, Chính phủ xác định THTK, CLP là nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; điều hành chi NSNN theo dự toán được giao; kiểm soát chặt chẽ bội chi, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Các cấp, các ngành thường xuyên rà soát để bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các chính sách chưa thực sự cấp thiết. Các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt việc ứng trước dự toán NSNN, chi chuyển nguồn sang năm sau…, đảm bảo việc quản lý và sử dụng vốn theo đúng tiến độ, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đó, Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong vấn đề NSNN như triệt để tiết kiệm kinh phí NSNN ngay từ khâu lập, phân bổ, giao dự toán; phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí kinh phí đoàn ra trong chi thường xuyên các chương trình mục tiêu quốc gia; hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền bằng NSNN.
Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đúng quy định của pháp luật về công khai, minh bạch. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN phải thực hiện trách nhiệm công khai theo quy định của pháp luật việc sử dụng NSNN và các nguồn tài chính được giao…
Nam Khánh