Trong báo cáo “Củng cố sự phục hồi: nắm bắt cơ hội của tăng trưởng xanh” vừa công bố, WB ước tính sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 tăng mạnh 6,9%, khu vực này sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm 2022 và 2,2% trong năm 2023, khi hầu hết các quốc gia còn phải xoay xở khắc phục các thiệt hại do đại dịch. WB nhấn mạnh những hậu quả lâu dài của đại dịch COVID-19 vẫn luôn hiện hữu và cần được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ nghèo trong khu vực đã tăng lên 27,5% vào năm 2021 và vẫn ở trên mức 25,6% trước đại dịch, trong khi tình trạng sa sút trong học tập có thể dẫn đến giảm 10% thu nhập trong tương lai của hàng triệu thanh niên trong độ tuổi đi học. Để tránh quay trở lại tốc độ tăng trưởng thấp của những năm 2010, WB đề nghị các nước trong khu vực thực hiện một loạt các cải cách cơ cấu “đã quá hạn lâu” và tận dụng những cơ hội mà nền kinh tế thế giới “ngày càng xanh” mang lại. Trong số những cải cách cần thiết, WB đặc biệt đề cập đến khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục và đổi mới. Các chuyên gia của WB cho rằng những khoản đầu tư quan trọng nhất nên được tài trợ thông qua chi tiêu hiệu quả hơn và thu thuế cao hơn. Theo báo cáo của WB, Mỹ Latinh và Caribe đã mất tương đương 1,7% GDP hàng năm do các thảm họa liên quan đến khí hậu trong hai thập kỷ qua và khoảng 5,8 triệu người dân khu vực này có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030. Trong năm nay, WB dự đoán các quốc gia Mỹ Latinh có tăng trưởng GDP cao nhất sẽ là Panama (6,5%) và Cộng hòa Dominica với 5%, theo sau là Colombia với 4,4%, Ecuador với 4,3% và Argentina với 3,6%. Mexico sẽ có mức tăng GDP là 2,1% và kinh tế Brazil chỉ tăng 0,7%. Trong khu vực Caribe, nền kinh tế Guyana được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 47,9% trong năm nay và Barbados là 11,2%. Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Carlos Felipe Jaramillo, nhận định Mỹ Latinh và Caribe đang trên con đường phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng hậu quả lâu dài vẫn tồn tại và các quốc gia sẽ phải thực hiện các cải cách sâu rộng. Ông Jaramillo chỉ ra rằng: “Về lâu dài, những thách thức của biến đổi khí hậu sẽ còn cấp bách hơn, buộc chúng ta phải khẩn trương hướng tới một chương trình nghị sự tăng trưởng xanh hơn, bao trùm hơn và nâng cao năng suất”. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Mỹ Latinh và Caribe, William Maloney, nêu bật những “lợi thế xanh to lớn” mang lại cho khu vực cơ hội tạo ra các ngành công nghiệp và xuất khẩu mới, bao gồm tiềm năng về năng lượng tái tạo, trữ lượng lithium và đồng lớn, cùng nhiều tài nguyên khoáng sản, các yếu tố "ngày càng được coi trọng trong một thế giới mà sự nóng lên toàn cầu và an ninh năng lượng là trung tâm". Từ góc độ này, WB gợi ý các chính sách định giá thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ các-bon thấp hiện có, ví dụ thông qua các cải cách trong trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, thiết lập thuế các-bon và các chương trình thương mại hóa phát thải. |