300.000 người nhận trợ cấp một lần trong 5 tháng
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính riêng trong tháng 5, toàn ngành BHXH đã giải quyết cho 85.117 người hưởng trợ cấp một lần. Lũy kế 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận có 296.916 người hưởng trợ cấp một lần, trong khi các năm gần đây trung bình mỗi năm chỉ có 700.000 người hưởng trợ cấp này. Con số này là rất cao, bởi số người xin ra khỏi hệ thống an sinh xã hội gần bằng số người mới tham gia BHXH hàng năm.
Về nguyên nhân của thực trạng trên, ông Quảng cho biết, nhiều người lao động bị mất việc làm trong khi đời sống của họ quá khó khăn, buộc phải làm chế độ để hưởng chính sách BHXH một lần, tức là không có lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. “Rất nhiều người trong số đó là lao động bị mất việc, chọn nghỉ việc ở độ tuổi 35-40. Đây là xu hướng có thật được thể hiện qua phản ánh của các cấp công đoàn và khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua số liệu của các trung tâm giải quyết trợ cấp thất nghiệp. Ví dụ như ở Hà Nội, theo hồ sơ trong tổng số hơn 10.000 người lao động đi làm trợ cấp thôi việc thì trên 90% là người trên 35 tuổi”, ông Quảng nhấn mạnh.
Phó trưởng Ban quan hệ lao động dẫn chứng thêm, mới đây Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đi khảo sát tại Công ty Minh Phú ở tỉnh Hậu Giang. Công ty này có khoảng 15.000 lao động nhưng 4 năm rồi ở đây chỉ có 1-2 người về hưu, còn lại là hưởng chính sách trợ cấp một lần.
Thực tế đáng buồn này đang diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản…
Khó quay trở lại hệ thống an sinh
Có 2 nguyên nhân được ông Quảng chỉ ra, một là vì đến tuổi 35-40 thì người lao động không thể đứng ở môi trường đó được nữa, họ phải tự thôi việc. Hai là một số doanh nghiệp tìm mọi cách để vận động người lao động thôi việc vì thâm niên càng cao thì doanh nghiệp càng phải trả lương cao, tiền đóng bảo hiểm cũng cao hơn. Trong khi đó muốn tăng ca tăng kíp rất khó.
Rời doanh nghiệp ở tuổi 35-40, nên những người lao động đó rất khó có thể xin việc nơi khác ở khu vực có quan hệ lao động để tiếp tục tham gia BHXH vì tuổi đã cao. Và tất yếu, số lao động này chọn hưởng BHXH 1 lần, làm gia tăng số lao động nhận trợ cấp một lần trên thị trường lao động.
Ông Quảng cũng dẫn thêm lý do nữa khiến lao động chọn nhận trợ cấp một lần hơn là tiếp tục tham gia BHXH đó là do điều kiện sống của người lao động còn quá khó khăn. Thực tế qua khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy hơn 52% người lao động phải làm thêm giờ mới có thể đủ trang trải cuộc sống, chỉ có khoảng 16% người lao động làm việc có tích lũy. Phần lớn người lao động khi ngừng làm việc đồng nghĩa với việc không đảm bảo cuộc sống. Cuộc sống quá khó khăn, do vậy, họ chọn cách hưởng trợ cấp một lần để có khoản tiền lo cho sinh hoạt trước mắt. Đây là sự lựa chọn người lao động cũng không mong muốn.
Bên cạnh đó, hiện hệ thống chính sách BHXH không hấp dẫn nên cũng không thu hút được người lao động muốn gắn bó với hệ thống BHXH khi có quy định người lao động phải đóng ít nhất 20 năm mới được hưởng lương hưu. Trong khi tuổi đời của người lao động còn rất trẻ, họ không thể chờ đợi đóng thêm đến 20 năm để được hưởng BHXH vì quá lâu. Bên cạnh đó, quy định cho người lao động được hưởng chính sách BHXH một lần còn dễ dàng, nên phần lớn tâm lý của người lao động sau khi nghỉ việc đều là muốn “lĩnh một cục” cho nhanh.
Đồng tình với quan điểm trên của ông Quảng, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cũng khẳng định, đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi nếu người lao động ở lại hệ thống BHXH lâu hơn thì sẽ được hưởng nhiều quyền lợi tốt hơn. Đáng chú ý, hiện không chỉ có loại hình BHXH bắt buộc gặp phải vấn đề trên mà loại hình BHXH tự nguyện cũng chưa thu hút được nhiều người quan tâm, số người đang tham gia mới chỉ ở con số rất ít.
Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam, việc phát triển BHXH tự nguyện đã thực hiện được 10 năm, nhưng số người đang tham gia và đã nghỉ hưu, đang hưởng BH tự nguyện chỉ trên 300.000 người.
Nguyên nhân được ông Mai Đức Thắng chỉ ra là do thu nhập của người lao động trong khu vực không chính thức chưa ổn định, thu nhập thấp, người dân chưa có thói quen mua bảo hiểm. Đồng thời, chính sách chưa hấp dẫn vì người tham gia mới được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất…