Thuế bảo vệ môi trường - một loại thuế xanh, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh tư liệu |
PV: Ông đánh giá thế nào về những kết quả của chính sách thuế trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững thời gian qua?
PGS.TS Đỗ Đức Minh: Thời gian qua, chính sách thuế ở nước ta được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững, theo đó, đã đạt được các kết quả như: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT).
Trong đó, thuế BVMT - được coi là một loại thuế xanh, có vai trò quan trọng trong việc hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thuế tài nguyên đã góp phần khuyến khích việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới sản xuất xanh, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, thuế đã huy động nguồn thu lớn, tăng thêm nguồn lực tài chính để đầu tư cho tăng trưởng xanh, bù đắp chi phí cho các hoạt động BVMT. Nguồn thu từ thuế, phí được đầu tư đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững, đảm bảo tỷ trọng đáng kể để đầu tư cho tăng trưởng xanh, BVMT.
Trong tổng số thu từ thuế, phí, số thu thuế, phí BVMT ngày càng tăng lên về tỷ trọng và dần trở thành một sắc thuế quan trọng trong việc tạo nguồn thu để BVMT. Theo số liệu của Bộ Tài chính, nếu năm 2011 thuế BVMT mới chỉ đạt 11.201 tỷ đồng, chiếm 1,5% tổng thu NSNN thì năm 2021, thuế BVMT đã đạt 59.697 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,8% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và đang dần trở thành một sắc thuế quan trọng trong việc tạo nguồn thu cho NSNN.
PV: Bên cạnh những kết quả trên, chính sách thuế vẫn còn những hạn chế nào tác động đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững, thưa ông?
PGS.TS Đỗ Đức Minh: Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách thuế vẫn còn một số hạn chế tác động đến thúc đẩy thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững. Cụ thể, Luật Thuế BVMT hiện hành có đối tượng chịu thuế còn hạn hẹp, chưa bao quát hết các đối tượng gây tác động xấu tới môi trường. Hiện nay, mới chỉ quy định 8 nhóm chịu thuế, nhiều hàng hoá khi sử dụng gây hại đến môi trường nhưng chưa được quy định thuộc đối tượng chịu thuế của thuế BVMT, như khí thải công nghiệp, thuốc lá, chất thải phóng xạ, một số những chất gây độc hại gồm cả axit vô cơ, xút, hóa chất bảo vệ thực vật, dung môi hữu cơ, thủy ngân…
Mức thu thuế BVMT vẫn còn thấp so với mức độ ô nhiễm gây ra như túi ni lông, xăng dầu, vì thế chưa đủ sức điều tiết tiêu dùng các hàng hoá gây hại cho môi trường.
Còn đối tượng chịu thuế điều chỉnh bởi Luật Thuế tài nguyên chưa được bổ sung phù hợp với các tài nguyên cần khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững. Hay như đối với thuế TTĐB, đối tượng chịu thuế còn khá hẹp. Một số đối tượng hàng hoá, dịch vụ trong quá trình sản xuất tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường chưa nằm trong danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế TTĐB như: kim loại, đá quý, các sản phẩm dầu mỏ…
Như vậy, tác động trực tiếp của chính sách thuế đến hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng các sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường còn nhiều hạn chế. Vì thế, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thuế để tạo ra các tác động mạnh hơn và hiệu quả hơn đến mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
PV: Vậy ông có khuyến nghị gì về chính sách thuế để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xanh trong thời gian tới?
PGS.TS Đỗ Đức Minh: Chính sách thuế giữ vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, tôi cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách theo hướng nghiên cứu để ban hành hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại “xanh” đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ và công nghệ. Từ đó, tạo cơ sở để các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư, phát triển các hoạt động kinh tế xanh nhằm tạo định hướng xây dựng chính sách thuế, khuyến khích hoặc hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dự án, công trình theo các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại “xanh”.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tính toán đến việc mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế và điều chỉnh mức thuế suất phù hợp đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng các loại hàng hoá có tác động xấu đến môi trường.
Ví dụ, đối với thuế BVMT, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung của thuế, phí về BVMT theo hướng “sử dụng quy định công cụ thuế, phí để điều chỉnh các hoạt động, sản phẩm, hàng hóa có phát thải các-bon, gây tác động xấu đến môi trường". Theo đó, cần mở rộng đối tượng chịu thuế đối với các sản phẩm, hàng hoá có gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng, như: Phân bón hóa học, chất tẩy rửa; khí than, khí tự nhiên; các loại pin và ắc quy. Đồng thời, xác định mức thuế suất phù hợp đối với các loại hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT mà hiện nay với mức thuế suất này ít tác động đến hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng như: xăng dầu, than, túi ni lông, dung dịch HCFC.
Đối với thuế tài nguyên, cần mở rộng đối tượng chịu thuế tài nguyên với một số loại tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, chẳng hạn: San hô đỏ và các loại đá granite cao cấp. Bên cạnh đó, cần chỉnh mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên, góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên.
Đối với thuế TTĐB, mở rộng thêm cơ sở thuế TTĐB đối với một số đối tượng như khoáng sản, kim loại quý, dầu mỏ hay các hàng hoá khác mà trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB căn cứ vào mức xả thải ra môi trường của đối tượng chịu thuế để đảm bảo công bằng về trách nhiệm BVMT đối với tất cả các đối tượng chịu thuế.
Ngoài các giải pháp nêu trên, tôi cho rằng, thời gian tới cần tăng ưu đãi thuế đối với các hoạt động đầu tư xanh trong chính sách thuế TNDN nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh, tăng trưởng xanh và chuyển đổi xanh. Chẳng hạn, có thể hạ thuế suất hoặc tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ với mức tối đa cao hơn 10% thu nhập tính thuế TNDN đối với doanh nghiệp có dự án, với tổng mức đầu tư lớn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất mới theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chính sách thuế được rà soát, sửa đổi theo hướng thúc đẩy chuyển đổi xanh Theo PGS.TS Đỗ Đức Minh, để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, chính sách thuế tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi xanh, nhằm thực hiện đầy đủ các mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần phát triển kinh tế bền vững. |