Hạn chế sự can thiệp
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính, Trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đề án đang trong quá trình hoàn thiện, cân nhắc lựa chọn một số mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định.
Theo đó, có hai mô hình được đề xuất lựa chọn. Một là mô hình cơ quan chuyên trách là cơ quản lý nhà nước, theo đó sẽ thành lập một cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp với tên gọi là Ủy ban quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hai là mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp, theo đó sẽ thành lập một doanh nghiệp nhà nước làm nhiệm vụ quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này.
Tuy mỗi mô hình đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định nhưng việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nào cũng cần phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam và phù hợp với quy mô, tiến trình cải cách DNNN. Mô hình mới cũng phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý...
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Ths. Phạm Đức Trung - Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Mục tiêu đặt ra cho việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước nhằm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Ngoài ra, việc này cũng phải đảm bảo thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp một cách tập trung, thống nhất thay vì phân tán ở nhiều cơ quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, cải thiện chất lượng quản trị DNNN; thúc đẩy và hỗ trợ các cơ quan quản lý hành chính nhà nước tập trung chuyên môn, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng.
Do vậy, cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, nhằm hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào doanh nghiệp; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp...
Cần có lộ trình
Đề xuất, Chuyên gia kinh tế Đinh Văn Nhã cho rằng nên lựa chọn mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp vì tác động tiêu cực thấp hơn và tác động tích cực cao hơn so với việc giữ như hiện tại hoặc thành lập cơ quan chuyên trách là Ủy ban.
Dẫn chứng thêm, ông Nhã cho biết, khi phân tích các mặt như tác động thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, khắc phục các bất cập do chức năng chủ sở hữu đồng thời là chức năng quản lý nhà nước, tính toán nhất quán với quy định pháp luật hiện hành,... thì mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam được đánh giá kết quả cao hơn so với 2 phương án còn lại.
Đứng trên góc độ từng là người lãnh đạo cơ quan quản lý DNNN, ông Phạm Đình Soạn - nguyên Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng Cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính cho rằng, phương án thành lập Ủy ban mới cần phải được tham khảo kỹ ý kiến doanh nghiệp. “Cái mà doanh nghiệp muốn là sự thay đổi bên trong, thay đổi về chất nên đề xuất phương án nâng cấp SCIC theo mô hình doanh nghiệp sẽ là khả thi nhất, vì mô hình này không tạo ra sự xáo trộn nào” - ông Soạn nói.
Tuy nhiên, để triển khai mô hình nói trên, cần phải thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, trong 1-2 năm đầu, việc cần làm là củng cố và phát triển SCIC hiện có; chuyển dần các tổng công ty, tập đoàn 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình chung của SCIC. Có thể sáp nhập một số tổng công ty, tập đoàn nhỏ lẻ vào DN nghiệp này và cho phép một số địa phương lớn như TP.HCM, Hà Nội được thành lập các SCIC riêng.
Sau đó, trên cơ sở đã tạo lập được những tiền đề để tiếp tục xây dựng mô hình mới, trong đó có việc xác lập được tổng số và quy mô DNNN còn lại sau cổ phần hóa, chúng ta thực hiện việc sáp nhập một số SCIC lại, có thể chỉ để tồn tại một vài SCIC (thậm chí là 1 nếu có thể), có thể trực thuộc Chính phủ; trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay hoặc đa dạng hóa trực thuộc.
Hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam” là diễn đàn khoa học hữu ích để chia sẻ thông tin, nhằm đóng góp ý kiến với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra.