Quảng Ninh được biết đến là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế so sánh cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Đồng thời cũng là tỉnh ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học - công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á. Đây chính là lực đẩy để Quảng Ninh thu hút hàng nghìn doanh nghiệp đến đầu tư và hoạt động. Đặc biệt, với hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, Quảng Ninh cũng ngày càng có nhiều lợi thế để thu hút được những nguồn nhân lực dịch chuyển từ khắp các vùng. Để phát huy hiệu quả các lợi thế, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tỉnh cũng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tâm, có tầm trong phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp… Điển hình như Cục Hải quan Quảng Ninh, trong thời gian qua đã triển khai hiệu quả các giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Các đơn vị thuộc và trực thuộc đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin (email, điện thoại, tin nhắn SMS, tổ chức đoàn công tác hỗ trợ…) để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động, cũng như khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giải đáp hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Song song với đó, Cục Hải quan tỉnh cũng tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Tổng cục Hải quan về đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hướng tới hải quan phi giấy tờ; ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được duy trì. Triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan, giúp giảm thời gian và chi phí trong việc nộp xuất trình hồ sơ của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bên có liên quan… Ông Huang Bin, Giám đốc XNK Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Pully Việt Nam, KCN Đông Mai, cho biết: Là một trong những công ty thuộc Tập đoàn TCL, công ty chủ yếu sản xuất và chế tạo linh kiện nhựa cho các sản phẩm điện tử và máy móc. Kể từ khi công ty chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2020 đến nay, hoạt động kinh doanh ngày càng ổn định và phát triển. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của đơn vị còn là sự hỗ trợ giúp đỡ nhiệt tình của các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh, nhất là Cục Hải quan tỉnh. Đơn vị được cơ quan hải quan bố trí chuyên gia nghiệp vụ các cấp trực tiếp hỗ trợ, tư vấn, liên lạc giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK; được cảnh báo các yếu tố làm giảm mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; được tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi để tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đối với thực hiện thủ tục XNK… Chính những sự hỗ trợ thiết thực này đã góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất và tăng năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp. Trong năm 2023, trong bối cảnh chung cả nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành và chỉ đạo triển khai các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, văn bản về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt năm 2023 cũng là năm đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức gặp mặt, tiếp xúc cử tri chuyên đề, chuyên sâu với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã để lắng nghe, giải quyết các vấn đề khó khăn. Sau cuộc gặp, đã có một nghị quyết chuyên đề để góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có những khó khăn liên quan đến việc thực hiện các quy định pháp luật về PCCC, tỉnh đã lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp… Trong năm qua, toàn tỉnh có 2.731 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 34.196 tỷ đồng, tăng 3,7% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 38,8% về vốn đăng ký so với năm 2022. Như vậy, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 17.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, vốn đăng ký đạt 361.026 tỷ đồng. Chia sẻ về nội dung này, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh luôn trân trọng những nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp đã vượt khó, tìm được điểm tương đồng với mong muốn của chính quyền để cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh có sự phát triển bền vững. Để hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh cũng đã triển khai hàng loạt các giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, toàn diện, tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá... Từ đó, tạo đột phá về chất lượng cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Trong năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển thêm hơn 2.000 doanh nghiệp mới, để toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp. Hiện thực mục tiêu này, Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành và liên tục đổi mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, hành động quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh; xử lý những khó khăn, vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư; triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH. |