“Nở rộ” tài trợ thương mại Theo tính toán, nếu 2 tháng cuối năm, Việt Nam duy trì đà xuất nhập khẩu như trên thì quy mô cả năm có thể đạt xấp xỉ 540 tỷ USD, tăng hơn 20 tỷ USD so với năm 2019. Có thể thấy, nếu như không có Covid-19 làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu thì giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ đạt mức cao hơn nữa. Nhưng kết quả nêu trên cũng đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại quốc tế, các DN đều đã nắm bắt cơ hội, sử dụng nhiều biện pháp để vượt khó khăn, kích thích xuất nhập khẩu; trong đó, phải kể đến các ngân hàng đã đưa ra các sản phẩm tài trợ thương mại cho DN. Hồi tháng 7/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ra mắt sản phẩm Tài trợ xuất khẩu trước khi giao hàng. Theo đó, SHB sẽ tài trợ vốn lưu động để khách hàng thu mua nguyên vật liệu, thanh toán các chi phí sản xuất, gia công, chế biến, kinh doanh đơn hàng xuất khẩu với tỷ lệ tài trợ lên tới 90% nhu cầu vốn và thời hạn vay vốn lên tới 12 tháng. Trước đó, SHB còn cung cấp sản phẩm chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu với thời gian chiết khấu tối đa lên tới 6 tháng với các phương thức thanh toán đa dạng: thư tín dụng (L/C trả ngay, L/C trả chậm, L/C UPAS (thư tín dụng trả ngay có thể trả chậm), L/C chuyển nhượng); nhờ thu (Nhờ thu trả ngay D/P, nhờ thu trả chậm D/A); CAD (Giao chứng từ nhận tiền ngay). Tương tự, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp như tài trợ hợp đồng đầu ra, tài trợ xuất khẩu trước giao hàng, tài trợ chuỗi cung ứng… Nhờ đó, hoạt động thương mại quốc tế và tài trợ thương mại của MSB trong 9 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận mức tăng trưởng 40%. Mới đây, MSB còn triển khai thành công chuẩn Swift GPI (Global Payment Innovation Initiative - Sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu). Đây là giải pháp công nghệ mới trong hoạt động thanh toán qua biên giới giữa các ngân hàng thông qua điện toán đám mây của Tổ chức Thanh toán quốc tế (SWIFT), giúp đảm bảo giao dịch thanh toán quốc tế được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Hay mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng ra mắt dịch vụ tư vấn online sản phẩm tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong mùa dịch, đẩy mạnh hoạt động giao thương quốc tế. Theo đó, khách hàng được tư vấn mọi vấn đề liên quan đến sản phẩm tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế (bao gồm L/C xuất/nhập khẩu, UPAS L/C, nhờ thu, chuyển tiền quốc tế, bảo lãnh/thư tín dụng dự phòng, chiết khấu (L/C, D/A, D/P, TTR), tài trợ trước/sau giao hàng…). Dịch vụ này sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích, hạn chế tối đa những sai sót trong hồ sơ giao dịch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. "Tấm vé" cho giao thương Các chuyên gia và DN đều nhận định, nhờ có sự đồng hành của ngân hàng thông qua các sản phẩm tài trợ thương mại, DN sẽ có thêm cơ hội nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, giúp việc đàm phán và ký kết hợp đồng dễ dàng hơn. Theo bà Trần Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Bnew, thông qua việc sử dụng các công cụ tài trợ thương mại, bảo lãnh xuất nhập khẩu của ngân hàng, DN sẽ có thêm “tấm vé” để bước chân vào thị trường khó tính hoặc giúp làm việc nhanh hơn với các đối tác. Không những thế, bà Yến còn cho rằng, tài trợ thương mại của ngân hàng còn giúp DN giảm thiểu rủi ro, nhất là rủi ro liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thanh toán… Mặc dù vậy, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về chi phí khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng. Nhưng thực tế, các chi phí này sẽ hoàn toàn tương xứng với những gì DN nhận được, đặc biệt là nếu so với các rủi ro, thiệt hại mà DN gặp phải khi tự thực hiện. Vì thế, các DN phải quan tâm và nên sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, để yên tâm bước ra sân chơi quốc tế, nhất là trong bối cảnh còn nhiều bất định như hiện nay. |