Năm 2012, Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu từ 5% đến 8%. Để thực hiện mục tiêu đó, toàn Ngành kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp chống thất thu ngân sách. Một trong những biện pháp sẽ được làm triệt để, quyết liệt đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII xem xét thông qua vào tháng 5 tới đây. Trong đó có một phần nội dung quan trọng phục vụ cho công tác chống chuyển giá được Bộ Tài chính bổ sung đưa vào Luật, đó là cơ chế APA.
Nhiều nước đã áp dụng
Nhiều năm qua, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, các DN đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều DN nộp thuế không tương xứng với thực tế sản xuất kinh doanh, thậm chí có tình trạng khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chính là do DN thực hiện chuyển giá. Đây là vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết triệt để nhiều năm qua.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến 15-12-2011 thanh tra được 856 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ khoảng 4.400 tỷ đồng (tăng 2,5 lần so cùng kỳ), truy thu thuế và phạt khoảng 1.650 tỷ đồng (tăng 4 lần so cùng kỳ).
Đánh giá tác động của việc áp dụng APA, Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung, sửa đổi như đề xuất trên nhằm để chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, nâng cao kỹ năng quản lý trong quá trình cải cách quản lý thuế, hải quan với mục tiêu tạo thuận lợi cho các DN đa quốc gia, đồng thời đảm bảo quyền đánh thuế quốc gia. |
Tại Việt Nam, hiện nay một số nhà đầu tư nước ngoài (Intel, Samsung) đã chủ động kiến nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế APA đối với các giao dịch trong Tập đoàn để xác định thu nhập chịu thuế tại Việt Nam.
Tại Mỹ, Chương trình APA được ban hành bởi cơ quan Thuế nội địa thông qua quy trình thuế. Hiện nay, một quy trình mới đang được thực hiện trong kế hoạch của cơ quan Thuế nội địa nhằm tái tổ chức chương trình APA và kết hợp với bộ phận xác định giá thị trường của cơ quan có thẩm quyền, hình thành chương trình Thỏa thuận xác định giá trước và thỏa thuận song phương mới.
DN tham gia APA tại Mỹ phải đóng mức phí cố định là 50.000 USD, thời hạn 5 năm, phí gia hạn là 35.000 USD. Trong khi đó, tại một số nước như Trung Quốc, Malaysia lại không thu phí khi DN thực hiện cơ chế này.
Quản lý hiệu quả chống chuyển giá
Bộ Tài chính đánh giá, APA là biện pháp bổ sung hiệu quả cho quản lý chống chuyển giá bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra. APA thường được xác định trước khi diễn ra giao dịch giữa các bên liên kết và là một dạng cam kết từ 3 đến 5 năm của nhà đầu tư về giá làm cơ sở xác định nghĩa vụ thuế và cơ quan thuế thực hiện vai trò người giám sát quá trình thực hiện cam kết này.
Trên thực tế, quá trình thanh tra chống chuyển giá thường rất phức tạp phải chứng minh được sự bất hợp lý về giá và phải tìm được dữ liệu thông tin trong và ngoài nước…
So với việc kiểm tra, thanh tra chống chuyển giá (ít nhiều mang tính đối kháng) thì việc áp dụng APA sẽ đạt hiệu quả do các bên cùng hợp tác để đạt thỏa thuận chung. APA có nhiều điểm thuận lợi như: Giảm chi phí tuân thủ thuế, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ chứng từ; Cơ quan Thuế chủ động hơn trong việc thu thuế vì APA có sự đảm bảo nhất định về khả năng thu. Ngoài ra, APA có khả năng tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Do vấn đề chuyển giá và APA có liên quan đến chính sách thuế thu nhập DN nên trong dự thảo Luật chỉ quy định về thẩm quyền và giao Chính phủ quy định về thủ tục, trình tự, thời gian thực hiện cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.
Việc tính thuế, ấn định thuế và xác định thu nhập chịu thuế vẫn thực hiện theo quy định của chính sách thuế thu nhập DN hiện hành.
Để có cơ sở áp dụng APA, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế bổ sung quy định cho phép cơ quan thuế được áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá đối với người nộp thuế và cơ quan thuế có ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam. Bổ sung khoản 9 Điều 9: “ 9. Cơ quan thuế áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường cho các giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết đối với người nộp thuế, cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đói với thuế thu nhập”. Bổ sung khoản 3 Điều 36: “3. Trường hợp người nộp thuế đề nghị áp dụng Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường cho các giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết thì được thực hiện trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ có liên quan. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện, phạm vi, nguyên tắc nội dung và thời gian thực hiện”. |
Minh Anh