【nhận định trận lazio】Nghị lực cánh hoa khuyết
(CMO) Bị tật ở chân nên việc đi lại của chị Nguyễn Thị Yến Ly, 45 tuổi, ngụ Phường 4, TP Cà Mau hết sức khó khăn, thế nhưng, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, chị không những vươn lên khẳng định giá trị bản thân mà còn ra sức giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khác.
Cơ sở may gia công đồng phục Yến Ly từ một vài máy may ban đầu, nay đã trang bị 13 máy các loại với hơn 10 nhân công phục vụ việc cắt may, in đồng phục số lượng lớn. Ngoài ra, từng con chỉ, lô vải chị nhập về đảm bảo hàng tốt, chất lượng, giá cả cạnh tranh.
Chị Ly sinh ra trong một gia đình đông anh em, kinh tế chẳng mấy khá giả. Từ nhỏ vốn lanh lợi nên nếu chẳng di chuyển thì chẳng ai biết chị là người khuyết tật, vì trông chị lúc nào cũng xinh tươi như hoa.
Những buổi đầu đến lớp học nghề, đôi chân yếu ớt phải vận động quá sức, từng vòng quay máy làm đôi chân chị ê buốt. Nhưng sự đau đớn bên ngoài không ngăn được ý chí của cô gái trẻ muốn tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.
“Xã hội còn nhiều người bất hạnh gấp trăm ngàn lần mình. Tôi chỉ đi đứng không tiện, còn có nhiều người phải nằm một chỗ, mù loà nhưng họ vẫn sống và cố gắng thì tại sao mình lại không làm được”, chị tâm tình.
Vốn đôi tay khéo léo, chị nhanh chóng thạo nghề. Chị quyết định tự thân lên Sài Gòn mở một tiệm may riêng cho mình.
Hạnh phúc luôn mỉm cười với những ai không ngừng hy vọng. Chị Yến Ly (đứng) giờ đã có rất nhiều bạn hàng thân thiết. |
Các sản phẩm áo kiểu, công sở, đồ bộ, đồng phục chị đều nhận. Tiệm may nhỏ thôi nhưng nhờ tỉ mỉ, khéo léo nên lượt khách khá đông. Nhiều năm bươn chải rồi cũng đến lúc chị trở về quê hương theo di nguyện của mẹ.
Tại đây, chị tiếp tục phát triển nghề may bằng việc tự thành lập một cơ sở chuyên nhận may đồng phục học sinh, công sở... Vì mặt hàng này thị trường khá rộng, nếu được “mối” lớn sẽ đảm bảo nguồn thu ổn định và lâu dài.
Với sự tỉ mỉ, nghiêm túc trong công việc, chân thành trong cách đối xử, dù bản thân đi lại khó khăn nhưng tự chị lặn lội đến gõ cửa từng trường, từng cơ sở để tìm về những đơn đặt hàng với số lượng lớn.
Đến nay, sản phẩm của chị đã có mặt ở nhiều trường trong tỉnh; từ các tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ, cơ sở buôn lớn đến những điểm trường ở các huyện. Chị kể: “Lúc mới mở cơ sở, máy móc còn ít, để có đơn đặt hàng, tôi tự thân đi xuống các trường để thuyết phục họ bằng việc đem hàng mẫu có sẵn. Ban đầu là đặt hàng 50% để so mẫu, nhưng chỉ trong một năm, hầu hết các trường đều bỏ mối cũ mà đặt hàng bên tôi vì giá cả phải chăng, uy tín”.
Câu chuyện người phụ nữ tật nguyền vượt khó không chỉ dừng lại ở đó. Khi gây dựng được cơ nghiệp khá vững vàng, chị còn hỗ trợ những bà nội trợ, những người đã từng được dạy nghề tại địa phương (chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn) tăng thu nhập kinh tế bằng cách lãnh quần áo về gia công.
Chị Trần Thị Thuỳ Linh, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, cho biết: “Được hội phụ nữ giới thiệu nên tôi tìm đến để nhận ráp quần áo kiếm thêm chút tiền. Ban đầu chỉ là nghề phụ nhưng sau này chuyển lên nghề chính, nuôi sống cả gia đình. Trung bình mỗi tháng tôi kiếm được từ 3-4 triệu đồng, công việc không mấy vất vả lại có thể làm tại nhà nên rất thuận lợi”./.
Yến Nhi