Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử (eGov) lần thứ 15 tổ chức ngày 17/9 tại TPHCM. Hội thảo do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam), Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính, Cục Tin học hóa, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Sự kiện được Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và UBND TPHCM bảo trợ. Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn CNTT, các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung xây dựng và triển khai nhiều hệ thống thông tin quan trọng làm nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử của nước nhà. Điển hình như Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Cổng dịch vụ công Quốc gia kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.
Các hệ thống thông tin này đã được đưa vào vận hành và có sản phẩm cụ thể, tạo bước chuyển lớn trong giải quyết các mối quan hệ giữa Chính phủ với với các cơ quan trong hệ thống hành chính, giữa Chính phủ với người dân và Chính phủ với doanh nghiệp. Điều này cũng tạo lực đẩy trong triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phát triển kinh tế vừa hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch covid-19 đến người dân và doanh nghiệp. Theo thông tin chia sẻ tại hội thảo, tính đến hết tháng 8 năm 2020, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng dịch vụ công cũng đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký, hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên cổng. Từ tháng 3 đến nay, hệ thống thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công đã được triển khai, thực hiện trên 9.000 giao dịch. Hiện tại, theo xếp hạng phát triển Chính phủ Điện tử của Liên Hợp quốc thì Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, hạng 24/47 của châu Á và hạng 6/11 Đông Nam Á. Tuy nhiên, để đạt tới mục tiêu tới năm 2025 sẽ nằm trong top 4 quốc gia hàng đầu tại ASEAN và thuộc nhóm 70 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ Điện tử thì còn có rất nhiều việc cần thực hiện, cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện lộ trình, lựa chọn giải pháp thích hợp với Việt Nam. Đặc biệt, năm 2020, lần đầu tiên Liên hợp quốc sử dụng thuật ngữ “chính phủ số”. Điều này thể hiện xu hướng dịch chuyển của các quốc gia từ chính phủ điện tử sang chính phủ số. Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tại Việt Nam, chủ trương xây dựng Chính phủ số đã được nêu tại Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, mục tiêu đến 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước; đến 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Để cụ thể hóa chủ trương này, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. |