Nhiều công nhân ngành than đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Ảnh internet. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “từ chối” mua 2 triệu tấn than trong năm nay của Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã khiến cho TKV không khỏi lo lắng. Việc này đã được thông tin từ giữa tháng 6/2017.
Tuy nhiên, “đến nay vấn đề này đã được xử lý như thế nào” là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Người phát ngôn của Bộ Công Thương- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, ngày 14/7 cho hay, Bộ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc giữa cơ quan chức năng Bộ Công Thương, đại diện bên TKV và EVN. Các cuộc thảo luận được tổ chức trên tinh thần tuân theo quy luật của thị trường hàng hóa, tức là các sản phẩm phải có tính cạnh tranh.
Đối với EVN, than cũng là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong việc sản xuất điện cho nên giá than cũng ảnh hưởng nhiều tới giá điện, từ đó kéo theo giá hàng loạt các mặt hàng khác cũng bị tác động lớn.
Nếu giá điện tăng, rõ ràng giá các sản phẩm khác thậm chí đời sống tiêu dùng cũng tăng. Chính vì vây, Bộ Công Thương và các cấp có thẩm quyền cũng cho phép nhiều doanh nghiệp được phép trực tiếp nhập khẩu than để tăng cường tính cạnh tranh lành mạnh.
Dù vậy, ông Hải vẫn nhấn mạnh, song song với tuân thủ quy luật thị trường, 2 bên cần phải đảm bảo ưu tiên cho việc sản xuất trong nước. Điều này không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh doanh giữa 2 công ty mà nó còn liên quan đến đời sống của 113.000 lao động. “Bộ Công Thương đang cố gắng tìm các giải pháp để hài hòa giữa hai tiêu chí này”, ông Hải nói.
Trước đó, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV cho biết, đề xuất của EVN giảm 2 triệu tấn than, cùng với 2 triệu tấn than khai thác thêm khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13-14 tiệu tấn sẽ khiến cho 4.000 công nhân mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa. |