Phát triển hạ tầng được Bình Dương xác định là một trong những đột phá chiến lược,ếtnốigiaothôngvùngtạothếvàlựcpháttriể7m.cn.livecore trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện, nhiều công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng được Bình Dương đẩy nhanh tiến độ, kỳ vọng sẽ tạo thế và lực để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Mở rộng không gian đô thị
Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh là công trình giao thông kết nối quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán ách tắc giao thông ở các đô thị lớn trong vùng, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận. Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đi qua địa bàn TP.Dĩ An, TP.Thuận An là 2 địa phương giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh phát triển mạnh công nghiệp và đô thị, từ đó sẽ góp phần kiến tạo không gian đô thị - dịch vụ, trở thành “cửa ngõ” phát triển.
Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết với vị trí chiến lược, đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tuyến giao thông huyết mạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho cả vùng.
Ông Bùi Văn Sửu, khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 500m2 đất thuộc diện phải giải tỏa của dự án Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, rất đồng thuận trong việc đền bù, bàn giao mặt bằng. Tôi rất vui mừng khi dự án được đầu tư xây dựng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, mong sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ lợi ích chung cho người dân”.
Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua Bình Dương có tổng chiều dài 26,6km, tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, gồm dự án thành phần 5 (xây lắp) có chiều dài xây dựng 11,43km và dự án thành phần 6 (giải phóng mặt bằng) có chiều dài 10,76km2. Trong đó, đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9km, được thiết kế đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật. Ngoài cầu vượt, nút giao Bình Chuẩn được thiết kế có hầm chui và đường song hành để tránh ùn tắc giao thông. Trong khi đó cầu Bình Gởi sẽ vượt sông Sài Gòn kết nối TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) và huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).
Cùng với dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống kết nối tỉnh Bình Dương, Bình Phước, các tỉnh Tây nguyên với TP.Hồ Chí Minh, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương. Dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực giao thông mà còn mở ra “cánh cửa” để Bình Dương phát triển đô thị, thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết dự án có tầm quan trọng phát triển giao thông vận tải, liên kết vùng theo hướng nam - bắc, tạo đòn bẩy đưa công nghiệp phát triển lên phía bắc theo chủ trương của tỉnh. Đây là dự án giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến, đồng thời tạo ra khung hạ tầng kỹ thuật để phục vụ phát triển đô thị trong thời gian tới. Việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 13 cũng như các dự án đầu tư hạ tầng khác sẽ tạo điều kiện thông thương hàng hóa, kết nối liên vùng. Đây được cho là yếu tố quan trọng, là điểm sáng giúp tỉnh Bình Dương thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư.
Những ngày cận tết, lực lượng thi công vẫn miệt mài trên công trường dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua Bình Dương
Phát triển vành đai công nghiệp thế hệ mới
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ tuyến Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh lên phía bắc sẽ là không gian phát triển mới của tỉnh, được quy hoạch theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ nhằm xây dựng hạ tầng cho phát triển vành đai công nghiệp thế hệ mới, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 47,85km, quy mô 4 làn cao tốc hoàn chỉnh. Dự án có điểm đầu tại vị trí đầu cầu Thủ Biên (xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), đi qua Khu công nghiệp VSIP 3, giao cắt với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành tại phường Hội Nghĩa (TP.Tân Uyên). Sau đó, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh tiếp tục đi qua VSIP 2A (TP.Thủ Dầu Một), Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (TX.Bến Cát) và kết thúc tại cầu Phú Thuận (TX. Bến Cát) băng qua sông Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Bình Dương sẽ đầu tư 2 tuyến đường nhánh kết nối vào Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (đường Lê Lợi và đường Tạo lực 2) với quy mô phù hợp. Đi qua nhiều khu công nghiệp phát triển của tỉnh, dự án Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh được Bình Dương kỳ vọng sẽ hình thành không gian đô thị công nghiệp hiện đại hai bên tuyến đường.
Hiện một số đoạn tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đã được tích hợp trực tiếp vào các tuyến đường trục chính nội tỉnh như Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối về phía cảng biển, sân bay quốc tế. Bình Dương là tỉnh đầu tiên có những đoạn đường thuộc dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng.