Phóng viên TBTCVN đã có buổi trao đổi với TS. Nguyễn Viết Lợi,ínhsáchtàichínhthúcđẩypháttriểnkinhtếnhanhtoàndiệnvàbềnvữkết quả atlanta Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính xung quanh chủ đề của diễn đàn.
PV: Ông có thể cho biết, quan điểm, chủ trương và định hướng của Việt Nam về phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững là gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Viết Lợi: Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững ở Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, trải qua thời gian Việt Nam đã có những bước tiếp cận ngày càng đầy đủ đến hành trình phát triển toàn diện, bền vững nền kinh tế đất nước. Có thể thấy lần đầu tiên khái niệm “phát triển bền vững” được chính thức sử dụng trong Văn kiện Đại hội VIII, đánh dấu bước phát triển trong tư duy của Đảng về phát triển đất nước.
Nếu trước đây, Đảng mới chủ trương kết hợp phát triển kinh tế với phát triển xã hội thì nay yêu cầu là phải kết hợp chặt chẽ, hài hoà, hợp lý giữa phát triển kinh tế, xã hội không chỉ với bảo vệ, cải thiện môi trường mà còn với phát triển văn hóa (theo nghĩa rộng của từ này) và củng cố an ninh, quốc phòng. Như vậy, tới Đại hội VIII thì quan niệm khoa học của thế giới về phát triển bền vững với 3 trụ cột chính là kinh tế - xã hội - môi trường và mối liên hệ chặt chẽ giữa 3 trụ cột với nhau đã chính thức được Đảng ghi nhận.
TS. Nguyễn Viết Lợi |
Bên cạnh việc thừa nhận và khẳng định những giá trị chung của phát triển toàn diện, bền vững, Đảng cũng phân tích một cách khoa học và sâu sắc thực tiễn Việt Nam và đưa ra quan điểm của mình về phát triển bền vững, toàn diện ở Việt Nam - đó là sự phát triển, trong đó có kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường với phát triển bền vững về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và củng cố an ninh - quốc phòng.
PV: Ông nhận định như thế nào về tác động của chính sách tài chính cho mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững của nước ta, trong thời gian qua?
TS. Nguyễn Viết Lợi: Trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, cơ chế, chính sách tài chính liên tục được cải cách và hoàn thiện trên nhiều mặt nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Nhằm triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua cũng như ban hành nhiều luật, nghị quyết, nghị định, quyết định, chương trình hành động và các hướng dẫn trong các lĩnh vực về kinh tế, môi trường và xã hội. Trong đó, vấn đề đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, nước ta đã hoàn thiện về thể chế, chính sách tài chính cho phát triển kinh tế nhanh bằng các chính sách huy động nguồn lực như chính sách thuế, phí, lệ phí từ đất đai; chính sách vay nợ; phát triển thị trường tài chính; chính sách phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế nhanh được tập trung vào việc hoàn thiện Luật Ngân sách nhà nước, các chính sách và cơ chế phân bổ, quản lý giám sát chi đầu tư công, chi thường xuyên, quản lý giá,…
Bên cạnh đó, nước ta đã hoàn thiện thể chế về DN Nhà nước, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Ngoài ra, Nhà nước đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững như thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; thể chế thị trường khoa học – công nghệ; thể chế thị trường hàng hóa, dịch vụ;…
PV: Như ông vừa nói, mặc dù chính sách tài chính trong thời gian qua đã liên tục được bổ sung, hoàn thiện để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững, tuy nhiên thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay. Vậy, ông có thể cho biết cụ thể những vấn đề đó là gì, thưa ông?
TS. Nguyễn Viết Lợi: Bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tài chính phục vụ cho phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững trong mối quan hệ với 3 trụ cột là tăng trưởng nhanh, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) và bảo vệ môi trường vẫn đang đặt ra một số vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiện nay còn thiếu các cơ chế đồng bộ và hiệu quả trong huy động nguồn lực để phát triển các tiền đề thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây được xem là nhân tố tiền đề cho phát triển kinh tế nhanh như đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển con người và khoa học và công nghệ.
Thứ hai, về đảm bảo an sinh, công bằng xã hội, phát triển toàn diện về con người, trong những năm qua, các chính sách liên quan đến ASXH và giảm nghèo được ban hành rất nhiều, dẫn đến số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về các chính sách này quá nhiều, gây khó khăn cho công tác thực hiện; đồng thời xảy ra hiện tượng chồng lấn trong chính sách, làm hạn chế việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chung.
Thứ ba, về bảo vệ môi trường, những vấn đề đặt ra trong chính sách tài chính đối với bảo vệ môi trường đó là chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Tình trạng sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường sai mục đích cho các mục tiêu chi khác còn khá phổ biến ở các địa phương. Mặt khác, công tác xã hội hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường còn chậm; ngân sách nhà nước vẫn là nguồn kinh phí chủ yếu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bùi Tư