Trong một lần đến Khám Lớn Cần Thơ,ânchứnglịchsửvànhữngbàihọcquýkqbd frankfurt tôi được gặp ông Phạm Ngọc Hùng – Nguyên Bí thư huyện ủy Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đang tổ chức, hướng dẫn đoàn cán bộ hưu trí đi tham quan Khu di tích. “Xây dựng từ thời Pháp thuộc (1878- 1886), Khám lớn Cần Thơ có diện tích hơn 3.700m2, gồm 21 phòng giam tập thể và 03 phòng biệt giam. Tuy quy mô và mức độ tàn bạo chưa thể sánh với ngục tù Côn Đảo hay Phú Quốc, nhưng Khám Lớn Cần Thơ vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, là địa ngục trần gian đối với bao thế hệ người tù kháng chiến vùng Tây Nam bộ. Nơi đây từng giam giữ các đồng chí lãnh đạo cao cấp của tỉnh Cần Thơ ngày ấy như Quản Trọng Hoàng, Lê Văn Nhung, Ngô Hữu Hạnh…”- giọng cô thuyết minh trong trẻo giữa không gian tĩnh lặng đầy cảm xúc của những người bạn tù, tưởng nhớ về những đồng chí, đồng đội đã hy sinh anh dũng tại nơi này. “Từ ngày 03-9-1968 đến 02-02-1972, tôi từng bị giam cầm tại lao tù này”- ông Phạm Ngọc Hùng nói với tôi. Xuất thân trong gia đình có truyền thống, ông Hùng sớm giác ngộ cách mạng, làm giao liên từ lúc còn rất nhỏ. Năm 14 tuổi, ông được tổ chức đưa về công tác ở Đội biệt động thành phố Cần Thơ, hoạt động công khai. Bằng sự mưu trí, khéo léo, ông nhiều lần vượt qua đồn, bót địch, qua mắt bọn mật vụ để chuyển thông tin, thư từ của cơ sở mật trong thành về đơn vị Biệt động. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Hùng được giao nhiệm vụ đón và dẫn đường cho đơn vị chủ lực tiến vào đánh sân bay Trà Nóc. Địch kinh hoàng trước đòn tấn công táo bạo của ta nhưng đã phản công quyết liệt, nhiều đồng chí hy sinh. Đến đầu tháng 9-1968, trong tổ chức có kẻ phản bội, đầu hàng khai báo cho địch khiến nhiều cơ sở của Biệt động bị lộ. Phạm Ngọc Hùng bị địch bắt, chịu mọi cực hình, tra tấn tàn bạo của địch. Sau thời gian, không khai thác được gì, địch đưa ông về giam tại Khám Lớn Cần Thơ. Ông Trần Văn Khi (áo trắng) và ông Phạm Ngọc Hùng Và cũng chính trong Khám Lớn này, ông Hùng được ông Trần Văn Khi (7 Khi) thay mặt Chi bộ Nhà Lao tổ chức kết nạp ông vào Đoàn Thanh niên cách mạng Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và chính ông 7 Khi là người trực tiếp theo dõi, giúp đỡ, trau dồi kiến thức về mọi mặt, cả việc chơi đàn Măng-đô-lin, đàn Guitar. Nhờ có năng khiếu văn nghệ nên ông tiếp thu khá nhanh và cũng chính nhờ năng khiếu đàn hát này mà trong một lần phục vụ văn nghệ trong Nhà lao, nhân lúc bọn cai ngục lơ là, mất cảnh giác, ông cùng 2 đồng chí thoát được ra ngoài. Theo đường dây mật, ông trở về Long Mỹ (Hậu Giang), tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đất nước thống nhất, ông Hùng tiếp tục công tác, làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ rồi Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Hậu Giang đến khi nghỉ hưu (năm 2013). Sau 46 năm cống hiến, hiện ông vẫn nhiệt tình tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí thành phố Cần Thơ. Trong ký ức của ông Hùng, khoảng thời gian bị giam cầm ở Khám Lớn Cần Thơ là một dấu ấn bước ngoặt của cuộc đời. Và chúng tôi đã theo ông Hùng đến ấp 5, xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thăm ông 7 Khi - người đồng chí, đồng đội, người anh, người thầy của ông Hùng. Niềm vui gặp mặt của những người từng vào sinh, ra tử thật khó diễn tả, những vòng tay ôm nhau thật chặt, miệng cười mà nước mắt cứ rưng rưng. Bên ly trà, dĩa kẹo dừa đặc sản quê hương, hai ông hàn huyên, hỏi thăm nhau về chuyện gia đình, chuyện công việc, học hành của các con cháu và ký ức một thời hào hùng. Ông 7 Khi gặp lại các đồng đội Dù đã bước sang tuổi 76, mái tóc bạc trắng ánh kim, thính giác không còn nhạy nhưng giọng nói của ông 7 Khi vẫn sang sảng. Ông bị địch bắt ở Bến Tre cuối năm 1967. Khoảng tháng 4-1968, địch đưa ông cùng nhiều tù chính trị từ Bến Tre về Khám Lớn Cần Thơ, tiếp tục chịu đựng các đợt tra tấn, hành xác của địch. “Có lúc má từ Bến Tre qua thăm, tôi lấy khăn rằn quấn hết hai cánh tay lở loét do bị tra tấn chưa lành để má và người thân không đau xót khi nhìn thấy”- ông 7 Khi bùi ngùi nhớ lại. Và các cuộc đấu tranh phản đối đánh đập tù binh, đòi dân sinh, dân chủ, phát triển lực lượng ngay trong Nhà tù vẫn không ngưng nghỉ. Ông 7 Khi thay mặt Chi bộ Nhà lao, bí mật tổ chức học tập cương lĩnh, điều lệ, kết nạp các đồng chí trung kiên vào Đoàn thanh niên, Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi cơ sở bên ngoài bí mật chuyển vào nhà tù 1 chiếc Radio 1 Band, nghe được sóng của Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội để tuyên truyền trong chi bộ nhà tù. Ông 7 Khi là người có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ chiếc Radio quý giá này. “Việc nghe đài cũng được tổ chức rất chặt chẽ, phải tìm cách qua mắt được sự giám sát của cai ngục, như lấy lý do có đồng chí nào trúng gió, các đồng chí khác vào chăm sóc, cạo gió, khi nghe hết bản tin thì tản ra”- ông 7 Khi nhớ lại. Cuối năm 1968, địch đưa ông và nhiều chiến sĩ cách mạng ra Nhà tù Côn Đảo, tiếp tục những đòn tra tấn dã man, tàn bạo, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hơn 3 năm bị giam cầm, tra tấn tại Nhà tù Côn Đảo, đầu năm 1972, địch đưa các tù nhân chính trị về Khám Chí Hòa. Đến ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, thực hiện việc trao trả tù binh, ông 7 Khi và nhiều chiến sĩ được trả tự do, trở về tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau giải phóng, ông 7 Khi tham gia công tác ở Cửa hàng lương thực; làm Giám đốc xí nghiệp chăn nuôi, thức ăn gia súc; Giám đốc công ty xây dựng, rồi Giám đốc Công ty phát triển nhà Bến Tre. Đến đầu năm 1998, do sức khỏe yếu, ông nghỉ hưu. Trở về với cuộc sống đời thường, cùng với chính quyền địa phương, ông tập hợp các đồng chí cựu chiến binh, vận động các nhà hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông, giúp các hộ gia đình gặp khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. “Trong bối cảnh đất nước hội nhập hôm nay càng phải quan tâm, chú ý việc giáo dục cho thế hệ trẻ biết một thời oanh liệt, hào hùng, đau thương của đất nước, biết thương non sông này đã mấy bận chia đôi, biết ơn hàng triệu người đã hy sinh xương máu để đất nước có được nền hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Khám lớn Cần Thơ nên được bảo tồn làm nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, để nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh, mất mát to lớn ấy”- ông 7 Khi trải lòng. Bài, ảnh:Hoàng Khiêm |