Phương thức vận chuyển hàng đường bộ . Ảnh: T.H |
Rào cản phát triển dịch vụ logistics
Theo đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, phát triển dịch vụ logistics là nhiệm vụ quan trọng, luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; nhiều chính sách phát triển của Nhà nước được đề ra nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển mạng lưới trung tâm logistics, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu của hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa; đồng thời, khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Trong đó, hạ tầng kết nối chưa hoàn thiện, chưa được phát triển đồng đều và chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành.
Vận tải đường bộ vẫn là phương thức hoạt động chính, trong khi đó hạ tầng đường bộ đang bị quá tải, xuống cấp, các phương thức vận tải khác chưa được phát triển. Các dự án đường cao tốc, đường vành đai 3, 4 còn đang chậm tiến độ ở khu vực phía Nam. Chưa có quy hoạch phát triển kết nối đa phương thức (đường thủy, đường bộ, đường sắt) để tăng tính linh hoạt cho các hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu, và góp phần cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, logistics chưa đồng bộ, chưa mang tính tập trung, chuyên môn hóa cao, gây lãng phí tài nguyên và làm tăng các chi phí. Quy hoạch các khu vực công nghiệp, sản xuất còn chồng chéo với khu dân cư, gây tình trạng mất an toàn cho người dân. Còn thiếu chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng để giảm ô nhiễm môi trường, áp lực giao thông. Còn nhiều dự án treo theo quy hoạch các dự án bất động sản thay vì ưu tiên tập trung cho phát triển hậu cần logistics cảng biển.
Đáng chú ý, khu vực ICD Trường Thọ (gồm các ICD Transimex, ICD Phước Long, ICD Phúc Long, ICD Sotrans và ICD Tanamexco) đóng vai trò lớn trong hỗ trợ hệ thống cảng biển khu vực TPHCM nói chung và cụm cảng Cát Lái – Phú Hữu thuộc TP Thủ Đức nói riêng. Ước tính có khoảng 30-40% hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đã làm thủ tục hải quan tại đây. Do sản lượng hàng hóa tăng cao tại khu vực này nên thường xuyên gây ra tình trạng bất cập về an ninh, an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị. TPHCM đã có chủ trương đến năm 2022 sẽ di dời cụm ICD Trường Thọ đến khu vực cảng cạn Long Bình (phường Long Bình, TP Thủ Đức) nhằm điều chỉnh và phát triển khu vực Trường Thọ thành khu dịch vụ, thương mại. Tuy nhiên, đến nay dự án cảng cạn Long Bình vẫn chưa được triển khai, có thể gây chậm trễ cho việc di dời và ảnh hưởng đến triển khai quy hoạch chung của TP Thủ Đức.
Mặc dù hệ thống cảng biển, sân bay đã được đầu tư, mở rộng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành logistics, dẫn đến tình trạng quá tải và chậm trễ trong thủ tục xếp dỡ hàng hóa. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, có khoảng 20% số cảng biển tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 50% số cảng biển phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Khoảng 20% số đường bộ tại Việt Nam được xây dựng hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 50% số đường bộ phải chịu tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa.
Khoảng 30% số sân bay tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 40% số sân bay phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.
Các cơ sở kho bãi chưa đủ số lượng và chưa được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, gây khó khăn trong việc lưu trữ và quản lý hàng hóa. Hiện nay, chỉ có khoảng 10% số cơ sở kho bãi tại Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics, trong khi đó, hơn 50% số cơ sở kho bãi phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Các cơ sở kho bãi tại Việt Nam chưa đạt được tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và an toàn phòng cháy chữa cháy, gây khó khăn cho việc lưu trữ và quản lý hàng hóa.
Kiến nghị nhiều giải pháp
Ngoài tình trạng nêu trên, theo Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, tình trạng cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logisitics cũng có những yếu tố bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, do phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu hàng theo điều kiện FOB, FCA trong Incoterms, nên quyền định đoạt về vận tải đều do người mua chỉ định và dĩ nhiên người mua sẽ chỉ định một công ty nước họ để thực hiện điều này. Do đó các công ty logistics của Việt Nam không có nhiều cơ hội để cung ứng dịch vụ logistics. Điều này không phải dễ dàng giải quyết vì phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam đều gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đã có những hợp đồng dài hạn với các công ty logistics toàn cầu.
Ước tính trung bình chi phí logistics của Việt Nam khoảng 25% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ và cao hơn các nước đang phát triển như Trung Quốc hay Thái Lan. Chính chi phí logistics cao này làm giảm hiệu quả những cố gắng của Việt Nam trong việc giới thiệu thị trường lao động giá rẻ và đẩy mạnh xuất khẩu. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là cơ sở hạ tầng vận tải của Việt Nam đã quá cũ kỹ và quá tải, hệ thống quản lý hành chính phức tạp và các nhà sản xuất Việt Nam không tích cực sử dụng các dịch vụ thuê ngoài 3PL của nước ngoài.
Từ thực tế trên, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đề xuất một số giải pháp phát triển logistics tại Việt Nam:
Trong đó, nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chính sách, đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào xây dựng các cảng hàng, sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông và quản lý hàng hóa; tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển hàng; đồng bộ trong quản lý và giám sát hoạt động logistics để giảm thiểu tồn đọng hàng hóa và lãng phí tài nguyên.
Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bao gồm việc giảm các quy định pháp lý rườm rà, giảm chi phí vận hành và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào ngành.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển các trung tâm logistics của TPHCM theo quy hoạch hoàn chỉnh, mang tính lâu dài và đồng bộ với các quy hoạch tổng thể; giao các doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác cảng và cung cấp giải pháp dịch vụ logistics để triển khai các trung tâm này, nhằm đem lại hiệu quả hoạt động của các trung tâm logistics, kết nối các trung tâm logistics với hệ thống các cảng cửa ngõ.
Có chính sách phát triển cụm cảng trên sông Đồng Nai, đặc biệt là cảng Cát Lái, tăng năng lực, đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải xanh (vận chuyển sà lan) kết nối cảng Cát Lái với các Cảng, ICD tại các khu vực kinh tế Bình Dương, Đồng Nai, ĐBSCL, Campuchia... Trong quy hoạch hạ tầng cần tính toán đến kế hoạch nạo vét, quy định độ tĩnh không phù hợp để kết nối mang tính lâu dài, có tiềm năng phát triển theo xu hướng vận tải quốc tế.
Về hệ thống chuỗi cung ứng, xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng hiệu quả và chuyên nghiệp, bao gồm việc đồng bộ hoạt động của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ thông tin để giám sát và quản lý hoạt động chuỗi cung ứng; thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình chuẩn hóa trong hoạt động logistics.
Đồng thời thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.