Doanh nghiệp không kịp trở tay vì cắt điện đột ngột |
Tình trạng cắt điện liên tục đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Ảnh: Hương Dịu |
Bấp bênh trong kinh doanh
Cắt điện theo kế hoạch, cắt điện đột xuất dù vì lí do gì cũng đều ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực cảng biển, thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng. Đặc biệt, trong hoạt động khai thác cảng, với đặc thù phải luôn đảm bảo cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả khách hàng, hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng – mạch máu của nền kinh tế…, việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp cảng.
Từ thực tế đó, 3 Hiệp hội doanh nghiệp: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho rằng, điều này tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng… Việc cắt điện thường xuyên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng cảng mà còn ảnh hưởng uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển so với khu vực cũng như có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.
Một số doanh nghiệp sản xuất, nhất là những doanh nghiệp công nghiệp phải sử dụng nhiều thiết bị máy móc, tốn nhiều điện năng cũng bày tỏ nỗi bức xúc khi ngành điện ngừng cấp điện thời gian dài và thậm chí là không báo trước lịch cắt điện để doanh nghiệp chuẩn bị.
Nói về nguồn cung ứng điện hiện nay, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở miền Bắc rất nhanh, cao hơn cả miền Trung và miền Nam, với mức tăng 12 - 13% (trừ 2 năm Covid-19). Mặc dù vừa qua, miền Bắc có một số dự án điện công suất lớn được đưa vào vận hành là nhà máy nhiệt điện Hải Dương, công suất 1.300 MW; Nghi Sơn 2 công suất 1.200 MW và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 1.200 MW, tuy nhiên, do Nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành nên chỉ vận hành 600 MW. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.
Bên cạnh đó, thời gian qua, một số nhà máy nhiệt điện than đang gặp sự cố. “Bình thường các nhà máy nhiệt điện vận hành 6.000 giờ/năm phải nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng vừa rồi huy động cao nên xác suất sự cố tăng, thời gian bị hỏng kéo dài. EVN đã tăng cường nguồn than cho nhà máy nhiệt điện để gia tăng khả năng cung ứng điện”, lãnh đạo EVN thông tin.
Về phân bổ nguồn, những năm qua, hệ thống điện năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh, song phần lớn tập trung ở những vùng tiềm năng như Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Trong khi đó, khu vực miền Bắc phát triển chủ yếu là thủy điện, nhiệt điện. Mặc dù nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhiều, nhưng không phát triển ở miền Bắc, đây cũng là một trong những khó khăn, thách thức rất lớn cho việc vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt ở khu vực phía Bắc.
Ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện của Công ty Mua bán điện thuộc EVN cho biết, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc chỉ khoảng 4 triệu kWh/ngày, nhập từ Lào hơn 7 triệu kWh/ngày. Điện nhập khẩu chiếm rất thấp, chiếm khoảng 1,3% trên tổng lượng điện tiêu thụ gần 900 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên những ngày qua, lượng điện Trung Quốc bán cho Việt Nam cũng suy giảm nhiều.
Nguy cơ thiếu điện còn cao
Tăng trưởng sử dụng điện tăng vọt, áp lực lên hệ thống truyền tải gia tăng, trong khi đó không có nguồn điện mới được triển khai đang đặt ra vấn đề lớn với an ninh năng lượng.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024. Nguyên nhân vì miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay cả nhiệt điện Thái Bình 2 cũng xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công. Về thủy điện, các dự án lớn đã xây dựng hết. Quy hoạch điện VIII mới được phê duyệt tạo điều kiện tối đa cho điện mặt trời mái nhà không nối lưới nhưng đến nay chưa có cơ chế, chính sách thực hiện. Đầu tư điện khí khó khăn, mất nhiều thời gian. Do đó, nguy cơ thiếu điện còn cao.
TS. Nguyễn Đình Cung - chuyên gia kinh tế cho hay, tăng trưởng kinh tế miền Bắc mấy năm nay tăng cao hơn phía Nam nhưng không có thêm nguồn điện nào. “Cần thay đổi cách thức làm chính sách, vận hành chính sách, tiếp cận xử lý vấn đề, còn không vẫn tiếp tục trì trệ”, ông Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm và cho rằng, nên nhìn vấn đề một cách thực tế là đang thiếu điện và cần giải pháp, thay vì tính cơ cấu nguồn điện như thế nào, giá điện tái tạo ra sao… Cần xử lý vấn đề gặp phải trong tổng thể sau đó mới tính cân bằng về cơ cấu nguồn.
“Muốn giải quyết vấn đề thiếu điện phải nhìn bằng con mắt rất thực tế. Trước mắt, những nhà máy điện than đang ở trong quy hoạch đã được phê duyệt cần đẩy nhanh tiến độ hơn hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt”, ôngNguyễn Đình Cung nói.
Giáo sư. TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam:
Cần rõ ràng và minh bạch đối tượng ưu tiên Điện hiện nay đang thiếu hụt rất nhiều, do vậy ngành điện và các địa phương cần phải có chính sách rõ ràng và minh bạch trong việc ưu tiên cho sản xuất thì ngành nào ưu tiên số 1, 2 và vào khung giờ nào, sinh hoạt ưu tiên vào khung giờ nào. Với doanh nghiệp có đơn hàng gấp thì cũng cần có sự trao đổi với chính quyền địa phương và ngành điện để có giải pháp tối ưu, cân đối nguồn điện, ví dụ như điều chỉnh ca sản xuất vào khung giờ từ 0 đến 5 giờ sáng. Để đảm bảo sản xuất, doanh nghiệp cần sắp xếp lại thời gian làm việc, bảo đảm sử dụng tối ưu hiệu quả nguồn điện trong khoảng thời gian được cấp. Ngoài ra, khu vực sản xuất cần chủ động mua sắm nguồn điện dự phòng, ví dụ dầu diesel hoặc các nhiên liệu khác để làm sao đảm bảo sản xuất không bị ảnh hưởng nhiều. Doanh nghiệp phải chủ động, tình trạng này có thể còn lặp đi lặp lại nhiều ở trong tương lai. Ông Nguyễn Thành Luật, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Công nghệ PMA:
Lo trễ hẹn khách hàng Bắt đầu từ đầu tháng 6, tình hình mất điện đã gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp. Trong đó, máy móc công nghệ cao đang chạy với hiệu suất lớn mà mất điện đột ngột sẽ gây hỏng phôi, gãy dao… vừa ảnh hưởng đến thiết bị, vừa giảm tiến độ đơn hàng. Hiện doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu cho nhiều đối tác Nhật Bản, nhưng chỉ dám nhận 70-80% công suất, đồng thời nếu cứ trễ hẹn đơn hàng thì ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, bởi khách hàng tại Nhật Bản không thể hiểu được tình hình mất điện của nước ta như hiện nay. Để ứng phó với tình hình mất điện, Công ty hiện đã phải điều động công nhân làm ngoài giờ hành chính, nhân viên văn phòng làm việc online. Công ty cũng phải cố gắng đàm phán với đối tác nước ngoài để lùi thời gian giao hàng. Tuy vậy, với tình hình này, doanh thu trong quý 2 của doanh nghiệp có thể giảm 30%. Doanh nghiệp hiểu và thông cảm với khó khăn của ngành điện, nhưng lịch cắt điện cần cụ thể và thông báo sớm để doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị, điều chỉnh sản xuất. Ông Trương Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội:
Thông báo sớm và chia phiên cắt điện hợp lý Mất điện liên tục khiến doanh nghiệp không dám nhận nhiều đơn hàng. Nếu như trước đây, doanh nghiệp có thể nhận tới 120% công suất, thì giờ lo ngại mất điện đột ngột nên chỉ dám nhận 80-90% công suất. Với các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi hiện nay, họ không chỉ phải lo về đơn hàng, nguồn nguyên phụ liệu đầu vào mà còn cần nguồn năng lượng ổn định, giúp duy trì máy móc thiết bị và tiến độ đơn hàng. Do đó, các đơn vị chức năng cần cố gắng thông báo sớm lịch cắt điện để doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chia phiên cắt điện hợp lý để tránh ảnh hưởng đến tuổi thọ máy móc… Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết:
Cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô Dự báo giai đoạn nắng nóng nhất là tháng 6. Khoảng đầu tháng tháng 7, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa Hè năm nay sẽ được giải tỏa. Mặc dù vậy, năm nay hiện tượng El Nino tái diễn, cộng với là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm một tháng khiến áp lực cấp điện gia tăng. Đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định. N.Linh-H.Dịu |
Tiết kiệm gắn với có cơ chế để phát triển nguồn điện mới
Ông Hà Đăng Sơn , Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh đã có những trao đổi về giải pháp để cứu vãn tình trạng thiếu điện ở miền Bắc. Theo ông, khó khăn chung của ngành điện xuất phát từ nguyên nhân nào? Khó khăn lớn hiện nay là việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng thời gian qua chưa rõ ràng về định hướng và cơ chế chính sách. Có giai đoạn khi Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đưa ra danh mục nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, cả về chậm vốn, bố trí các mặt bằng, cũng như xin giấy phép đầu tư… Dẫn đến hệ lụy là công suất dự kiến xây dựng đều bị chậm tiến độ hoặc thậm chí không được xây dựng. Một số tổ máy nhiệt điện than chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc gặp sự cố, giảm công suất. Đây có phải là một trong các yếu tố làm xảy ra thiếu điện miền Bắc không, thưa ông? Việc xảy ra sự cố ở các tổ máy có hai vấn đề. Bản thân các nhà máy này giai đoạn vừa qua đã phải hoạt động thời gian dài hơn so với thông thường. Do vậy, xác suất xảy ra sự cố rất cao. Không may là sự cố ở vài tổ máy hiện nay xảy ra đúng giai đoạn thiếu điện và nắng nóng cao điểm, dẫn đến tình trạng miền Bắc cắt điện diện rộng so với dự kiến. Tuy nhiên ngoài vấn đề này, đây cũng là một cảnh báo. Cách đây khoảng 6 tháng chúng tôi có nói đến câu chuyện lỗ của EVN. Trong việc lỗ của EVN có đặt vấn đề EVN phải cắt giảm, tiết giảm các chi phí trong đó có cả chi phí liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng các hệ thống. Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng phần nào đó đến hiệu quả vận hành các nhà máy. Hiện nay tình hình nắng nóng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng điện cao, theo ông giải pháp trước mắt để cứu vãn tình trạng thiếu điện ở miền Bắc là gì? Vấn đề chậm trễ trong việc xây dựng công suất đạt tại các dự án nguồn điện cho khu vực phía Bắc không phải bây giờ mới nhìn nhận thấy, đã được dự báo, cảnh báo nhiều năm trước. Tuy nhiên giai đoạn dịch Covid-19 do nhu cầu phụ tải không cao do đó khủng hoảng chưa xảy ra. Qua giai đoạn dịch Covid-19 và đang quay lại quá trình hồi phục, nhu cầu sử dụng điện của tất cả các ngành kinh tế tăng lên. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua Chính phủ nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư mới, đặc biệt khu vực phía Bắc thu hút được nhiều nhà đầu tư, dẫn tới tăng đột biến nhu cầu sử dụng điện, khiến cho mất cân đối nguồn cung và nhu cầu. Do đó, phải sử dụng các biện pháp mạnh trong ngắn hạn. Ví dụ như có những chỉ đạo, giải pháp liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, không chỉ 2% như chỉ tiêu tại Chỉ thị ban hành mới đây của Thủ tướng Chính phủ mà phải cao hơn nữa và có sự áp đặt nhất định, đặc biệt là trong khối cơ quan, đơn vị nhà nước. Vì theo nhiều nghiên cứu cơ quan công sở nhà nước sử dụng nguồn điện năng cao, sử dụng năng lượng chưa được tốt. Chúng ta hoàn toàn có thể tăng tiết kiện điệm ở các đơn vị này. Với người dân, hiện nay có xu hướng đầu tư cho nguồn điện tiêu dùng để tránh phụ thuộc vào nguồn cung nhất là giai đoạn thiếu hụt hiện nay. Giải pháp này giúp giảm gánh nặng cung ứng điện cho ngành điện giai đoạn tới. Trong Quy hoạch điện VIII đã tạo điệu kiện tối đa cho phép đầu tư và không giới hạn công suất dự án điện mặt trời mái nhà, hướng đến mục tiêu 50% các tòa nhà công sở cũng như các hộ gia đình được phủ bởi hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhưng để làm được điều đó bắt buộc phải sớm ban hành chính sách cũng như các quy định hỗ trợ liên quan để tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà. Bởi vì chúng ta biết lắp đặt hệ thốngđiện mặt trời mái nhà rất nhanh và hiệu quả tốt. Mặc dù khu vực miền Bắc thời tiết và các yếu tố liên quan tới hiệu suất để phát điện không bằng khu vực miền Trung và miền Nam, tuy nhiên đánh giá giữa hiệu quả đầu tư với thiệt hại mất đi trong trường hợp mất điện thìcó thể chấp nhận được. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) mới được ban hành tại Quyết định 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo ông đâu là điểm nổi bật tại quy hoạch so với trước? Dù quá trình chỉnh sửa, bổ sung Quy hoạch điện VIII mất khá nhiều thời gian cho đến khi được phê duyệt tháng 5 vừa qua, tuy nhiên góc độ kỹ thuật có thể nhìn thấy Quy hoạch điện VIII đang tạo ra khung khá linh hoạt và mở để tạo điều kiện điều chỉnh cơ chế chính sách cũng như danh mục dự án cho phù hợp. Vì theo Luật Quy hoạch, các danh mục theo quy hoạch điện cũ nếu điều chỉnh lại quy mô công suất, hay vị trí các dự án rất khó khăn, bắt buộc Bộ Công Thương phải rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc điều chỉnh đó. Tuy nhiên Quy hoạch điện VIII đã đưa ra mục tiêu cụ thể trong cơ cấu cung ứng điện của quốc gia đến năm 2030 cũng như đến năm 2050 với một số dự án được nêu rõ ràng, là những dự án được xem xét ở góc độ quan trọng, được ưu tiên đầu tư trong thời gian tới vì những mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia. Với các danh mục của những dự án khác thì tương đối mở và chưa được xác định ở giai đoạn này. Theo tôi hiểu sẽ được Bộ Công Thương làm rõ trong quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII trong thời gian tới. Xin cảm ơn ông! Ngọc Hà(thực hiện) |