BP - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017,i tbdltd hom nay phường An Lộc (Bình Long) đã giảm được 10 hộ nghèo, hiện còn 110 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo. Thành công này là nhờ tập thể cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chung tay thực hiện các chính sách giảm nghèo. Trong đó có một thủ lĩnh tâm huyết, năng động cùng toàn thể hội viên làm tốt xóa đói giảm nghèo trong hội và thực hiện tốt các phong trào do hội cấp trên, địa phương phát động. Đó là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phường Nguyễn Thị Lan.
Trả ơn
“Tôi gắn bó với công tác CTĐ có 2 lý do: Một là yêu thích, hai là để trả ơn. Tôi trả ơn những người đã thương yêu, giúp đỡ khi mẹ con tôi còn rất khó khăn” - bà Nguyễn Thị Lan nói. Cách đây hơn 20 năm, hình ảnh người phụ nữ một bên mắt không còn nhìn thấy, rong ruổi hàng ngày trên chiếc xe đạp vào tận các khu dân cư cách trung tâm thị trấn An Lộc (nay là phường An Lộc) 5-10km mua ve chai không xa lạ với người dân nơi đây. Cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, họ có thể đồng cảm nhưng không có gì để hỗ trợ vì cũng nghèo mà chỉ đem những thứ không dùng được bán cho người phụ nữ khiếm thị với giá “hữu nghị”.
Bà Nguyễn Thị Lan kiểm tra chuồng trại nuôi dê của em Nguyễn Ngọc Bảo
Khi đồng vốn khá hơn, người phụ nữ khiếm thị ấy thu mua điều và tiêu. Nếu không mạnh dạn làm, 2 đứa con trai đang tuổi đến trường khó mà xoay xở. Những “mối ruột” của bà hiểu rõ hoàn cảnh “mẹ góa con côi” nên đôi khi cân già vài lạng cũng cho luôn các cháu làm quà. Gánh ve chai của bà đã lần lượt đưa 2 người con vào đại học. “Nghĩ mà thương. Hai đứa nhỏ tự chăm sóc, bảo ban nhau học. Tụi nó thương mẹ, hiểu hoàn cảnh gia đình nên không đua đòi. Đến cả học thêm cũng không đi dù tôi có động viên. Khi người con lớn ra trường về nhận công tác tại trường chuyên của tỉnh, phụ mẹ lo cho em trai, tôi mới buông gánh” - bà Lan trầm ngâm kể.
Có một điều mà những người làm công tác CTĐ ở Bình Long vẫn hay nhắc là trong lúc phải lo miếng cơm manh áo cho 3 mẹ con, bà vẫn tham gia hoạt động CTĐ khu phố. Từ khi bà làm, phong trào vực lên rõ rệt, các cuộc vận động có nhiều người tham gia hơn. Đến khi tách phường, bà được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội CTĐ phường. “Làm công tác xã hội mà không nhiệt huyết thì không đạt hiệu quả. Thể hiện ở chỗ càng vận động nhiều người hỗ trợ thì càng có nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ” - bà Lan khẳng định. Chỉ tính cuộc vận động nhân đạo năm 2016, đã có 11 tập thể và 2 cá nhân giúp 51 lượt hội viên hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá gần 110 triệu đồng, còn 6 tháng đầu năm 2017 là gần 41 triệu đồng. Năm 2016, qua phong trào “Tết vì người nghèo”, hội vận động được 220 suất quà, trị giá 66 triệu đồng; còn các chi hội vận động được 217 suất, trị giá 49 triệu đồng.
Khoảng thời gian cực khổ trong cuộc đời chính là động lực để bà làm công tác CTĐ không kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, miễn là những hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ kịp thời. Đó là cách bà trả ơn những người giúp mình. “Nếu không có những tấm lòng đồng cảm, mẹ con tôi đã không có ngày hôm nay” - bà Lan nói. “Ở phường ai cũng tin tưởng và quý bà Lan. Nhiều trường hợp cần tặng 1 suất quà đột xuất hay hỗ trợ bao gạo cho người nghèo (ngoài kế hoạch), bà điện thoại cho tiệm tạp hóa vận động thì chỉ vài phút sau có người chở xuống tận nơi mà không cần biết đối tượng nhận là ai” - ông Trần Đình Tam, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường cho hay.
Trao bò, dê cho người nghèo
Dự án “Ngân hàng bò” được Hội CTĐ phường An Lộc thực hiện từ năm 2013 và là điểm nhấn của hội trong phong trào giảm nghèo. Nguồn vốn thực hiện dự án vận động từ hội viên mỗi năm đóng góp 10 ngàn đồng cộng thêm các nhà hảo tâm hỗ trợ. Đến nay, dự án đã thực hiện ở 8/10 khu phố với 7 con bò giống được trao cho hội viên. “Mong muốn của tôi là hộ nghèo có điều kiện chăm sóc đều được trao bò giống để cải thiện cuộc sống, vươn lên bằng chính sức lao động của mình” - bà Lan cho biết.
Ông Trần Văn Nhướng là chủ hộ đặc biệt khó khăn ở khu phố Bình An. Ông bị tật ở chân, lại phải nuôi 2 người con bị bại não và tàn tật. Hội đã trao cho gia đình ông Nhướng 1 con bò cái giống 10 tháng tuổi trị giá 12 triệu đồng. Sau 4 năm chăm sóc, bò đẻ được 2 con bê, gia đình ông đã trả lại 1 con bê để hội trao cho hộ khác, còn bò mẹ và con bê còn lại được gia đình ông chăm sóc tốt. Ông Nhướng nói: Hai con bò này là tài sản gia đình không dám mơ đến nếu không được hội giúp đỡ. Giờ bán cũng được chục triệu đồng, nhưng tôi vẫn nuôi để làm vốn.
Chứng kiến niềm vui của hộ ông Nguyễn Văn Tám - bà Nguyễn Thị Lượt ở khu phố Bình Tân khi ký biên bản bàn giao bò cho hội mới thấy hết ý nghĩa nhân văn của phong trào này. Người nhận vui thì đã rõ, nhưng người chăm sóc từ lúc là con bê đến khi sinh sản và giờ trao con bê cho hộ khác mà vẫn vui là điều rất mừng. Ông Tám hồ hởi: “Mừng chứ! Mừng vì mình đã chăm sóc tốt nên nó mới đẻ nhanh. Giờ trao bê cho người khác, còn bò mẹ thì thuộc về mình, là tài sản của mình rồi”. Gia đình ông Tám thuộc diện bảo trợ xã hội, được trao bò đã giúp ông bà ổn định cuộc sống.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ nuôi dê đem lại hiệu quả cao và thời gian chăm sóc ngắn nên từ năm 2016, hội vận động các nhà hảo tâm mua dê hỗ trợ hộ nghèo. Đầu tháng 8 vừa qua, hội tiếp tục bàn giao 3 con dê cho Nguyễn Ngọc Bảo ở khu phố Bình Tân thuộc đối tượng bảo trợ, nâng tổng số dê từ khi phát động phong trào lên 12 con. “Từ khi nhận dê, Bảo không còn ra đường đứng nữa. (Bảo bị bại não - PV). Tôi nói với con là người ta cho thì con phải chăm sóc tốt. Bây giờ, đều đặn sáng, chiều Bảo cùng ba đi cắt lá cho dê ăn và chăm sóc chúng rất kỹ” - bà Nguyễn Thị Dũng, mẹ Bảo cho biết.
Hỗ trợ bằng nhiều hình thức, miễn sao phù hợp với đối tượng được nhận là sự linh động, sáng tạo trong công tác CTĐ. Kết quả đem lại là thước đo sự thành công của một phong trào. Và quan trọng hơn cả là khi người đứng đầu nhiệt huyết thì cả hội được truyền lửa để hành động.
Hồng Cúc