Nhằm chủ động và tăng cường công tác xuất khẩu hàng nông, thủy sản, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các chương trình hành động, trong đó tập trung vào các công tác trọng tâm trong việc đảm phán, mở rộng thị trường mới với mục tiêu ưu tiên các lĩnh vực ngành hàng và thị trường trọng điểm. Cụ thể, Bộ Công Thương tiếp tục có những chỉ đạo cho hệ thống tiêu thụ và các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài những nội dung cụ thể, từ đó hướng tới hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ thành lập tổ công tác trực tiếp tham gia xử lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tồn đọng để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương từ nay đến cuối năm. Thứ trưởng Bộ Công Thương – Trần Tuấn Anh cho biết, tổ công tác trực tiếp này sẽ được tạo lập cơ chế để tổ chức thường xuyên các cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng theo định kỳ, xử lý giải quyết kịp thời các yêu cầu, vướng mắc từ phía doanh nghiệp cũng như các yêu cầu từ phía thị trường nhằm đưa ra các đối sách kịp thời và phù hợp để đảm bảo hiệu quả và thực hiện tốt mục tiêu xuất khẩu nông sản, thủy sản. Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản trong nước cho biết, việc phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, liên quan đến thủ tục thương mại đã làm giảm sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa Việt Nam. Hiện nay, với mạng lưới tham tán thương mại phủ khá rộng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng việc xử lý các sự cố, vướng mắc về thương mại, hàng hóa xuất khẩu chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Các doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét lại hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại, không nên coi đó là việc riêng của các đại diện tham tán, thương vụ tại nước ngoài, đây phải được xác định là vai trò, nhiệm vụ quan trọng của bộ ngành trong nước./. |