(CMO) Thời gian qua, Ðảng uỷ, Ban Chỉ huy Ðồn Biên phòng (ÐBP) Sông Ðốc luôn xác định công tác huấn luyện có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Công tác này tác động trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đơn vị xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về công tác huấn luyện, định kỳ hàng năm bổ sung chủ trương và giải pháp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện vào nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ công tác biên phòng, kế hoạch công tác năm, sát với đặc điểm tình hình đơn vị và địa phương.
Ðơn vị thường xuyên giáo dục cán bộ chiến sĩ (CBCS) về tầm quan trọng của công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, phù hợp với đơn vị. Thực hiện tốt phương châm “Cơ bản - Thiết thực - Vững chắc”, vận dụng linh hoạt “3 quan điểm, 8 nguyên tắc và 6 mối kết hợp”, thực hiện 3 thực chất (dạy thực chất, học thực chất và kiểm tra đánh giá kết quả thực chất) trong huấn luyện. Qua đó, tạo chuyển biến vững chắc cả về nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, người chỉ huy và CBCS về công tác huấn luyện, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực, tự giác tham gia huấn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Cán bộ, chiến sĩ ÐBP Sông Ðốc tuần tra bảo vệ địa bàn. |
Ðại uý Ðỗ Văn Lanh, Ðồn trưởng ÐBP Sông Ðốc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ðặc thù đơn vị có nền đất thấp, thường xuyên bị ngập mặn, nhất là thời điểm triều cường, nước biển dâng cao gây ngập nước toàn bộ hệ thống lô cốt, hầm hào, công sự chiến đấu. Ðể đảm bảo huấn luyện các nội dung chiến thuật theo kế hoạch, đơn vị đã cơ động tận dụng địa hình dọc tuyến đê biển Tây và một số khu vực có nền đất cao xung quanh đơn vị để triển khai huấn luyện. Thường xuyên động viên CBCS tích cực tu sửa, cải tạo hệ thống trang thiết bị, mô hình, dụng cụ huấn luyện bảo đảm sát với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển".
Bên cạnh đó, thông qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trên địa bàn, đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm. Ðây cũng là hình thức tổ chức huấn luyện rất quan trọng, hiệu quả, gắn chặt giữa lý luận và thực hành.
Tại lễ ra quân huấn huyện năm 2023, Ðại uý Ðỗ Văn Lanh nhấn mạnh: “Ðơn vị phải tạo đột phá để nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, huấn luyện toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ về vị trí, vai trò của công tác huấn luyện chiến đấu, xây dựng đơn vị chính quy vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Bám sát tình hình nhiệm vụ để lựa chọn nội dung, chương trình và tổ chức huấn luyện phù hợp; tích cực nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp huấn luyện sát với từng đối tượng, nhiệm vụ của đơn vị. Cùng với đó là làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ huấn luyện; cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, cán bộ có kinh nghiệm bồi dưỡng cho cán bộ mới; phát huy tính tích cực, tự nghiên cứu, học tập, tu dưỡng rèn luyện của đội ngũ cán bộ. Tập trung nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, tác phong công tác, lề lối làm việc cho CBCS nói chung và cán bộ huấn luyện nói riêng”.
Song song đó, CBCS đơn vị tích cực nghiên cứu, cải tiến mô hình học cụ, vận dụng linh hoạt điều kiện địa hình, thời tiết để tổ chức huấn luyện đủ nội dung, thời gian sát với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, vùng biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới./.
Thiên Bảo