Thông tin về bán tín chỉ giảm phát thải từ phát triển rừng, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc mua bán tín chỉ giảm phát thải trên thị trường là phương pháp tiên tiến ngày càng được nhiều quốc gia triển khai, đã tạo ra thị trường carbon hay còn gọi là thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Với lâm nghiệp Việt Nam, cơ hội tham gia thị trường tín chỉ lớn và việc làm này sẽ giúp có thêm nguồn lực cho công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt, Việt Nam đang có lợi thế khi diện tích rừng cả nước hiện đạt 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Về kinh tế, cơ cấu sản xuất lâm nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất rừng, tăng trưởng ổn định 4,6%/năm. Hàng năm, cả nước trồng được trên 260.000 ha rừng, năng suất rừng trồng cung cấp trên 70% nguyên liệu gỗ cho chế biến lâm sản, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Với những yếu tố trên, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam là phù hợp. Theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đối với 6 tỉnh giai đoạn 2018 - 2024, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho WB với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương ứng 1.200 tỷ đồng cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng cho giai đoạn từ ngày 1/2/2018 đến ngày 31/12/2019. Theo WB, đây là khoản chi trả đơn lẻ lớn nhất từng có từ Quỹ FCPF cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh và chất lượng cao. WB cho rằng, khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng, được chia theo kế hoạch chia sẻ lợi ích rộng rãi được xây dựng qua quá trình tham vấn minh bạch với nhiều bên tham gia. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền từ WB và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng.
Hiện trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế carbon, mức thuế từ 1-137 USD một tấn CO2. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của WB. Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá, khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước nữa để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và mở ra một cơ hội mới để tài trợ cho các cam kết và mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 trên, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 giai đoạn 2018-2019. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất chuyển thêm 1 triệu tấn CO2 cho WB. Số còn lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn muốn Thủ tướng đề xuất WB giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế. Bởi thời điểm này, Việt Nam khó tìm đối tác để trao đổi thương mại khi mảng này còn khá mới. Theo Cục Lâm nghiệp, thế giới hiện nay có thị trường carbon quốc tế tự nguyện và thị trường carbon nội địa (bắt buộc). Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa. Thị trường carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia.
|