Lạm phát khó lường Mối lo về lạm phát đang ngày càng gia tăng, đặc biệt khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra, đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Cùng với đó, giá than, sắt thép… cũng tăng mạnh trở lại. Ở trong nước, giá xăng dầu cũng liên tục được điều chỉnh tăng thêm, sau kỳ điều chỉnh hôm 1/3, xăng RON 95 có giá gần 27.000 đồng/lít, xăng E5 RON 92 có giá 26.077 đồng/lít. Giá gas cũng tăng vượt mức 500.000 đồng/bình. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,2% so với tháng 12/2021 và tăng 1,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng cục Thống kê đánh giá, nguyên nhân chính khiến CPI tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nguyên liệu thế giới, còn giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp tết Nguyên đán. Theo Dragon Capital, hiện mặt hàng xăng dầu đóng góp 3,6% và nhóm giao thông vận tải chiếm 9,7% rổ lạm phát của Việt Nam. Tính từ đầu năm, giá dầu thô Brent đã tăng 27,2%. Diễn biến tiếp theo của giá dầu sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm việc diễn biến xung đột tại Ukraine và tiến triển của thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Nguyễn Quang Hưng, Kinh tế trưởng của Dragon Capital đánh giá, ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng lên, lạm phát Việt Nam có thể sẽ không quá lớn vì không phải lúc nào giá xăng trong nước với giá dầu thế giới cũng biến động cùng chiều. Giá nhiên liệu của Việt Nam hiện tại bao gồm rất nhiều loại thuế cũng như các yếu tố bình ổn khác. Ngoài ra, để duy trì lạm phát dưới mức mục tiêu Quốc hội đã đề ra là 4%, Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát giá, bao gồm hỗ trợ tài chính công ty lọc hóa dầu để hỗ trợ xử lý một số khó khăn tạm thời và đưa công suất về mức bình thường. Cùng với đó, Bộ Công Thương và các bộ ban ngành liên quan có kế hoạch thực hiện bán đấu giá 100 triệu lít xăng RON 92 từ dự trữ quốc gia trong tháng này để tăng nguồn cung trong nước. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính cân nhắc việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chi tiết sẽ được thảo luận vào kỳ họp Quốc hội tới đây. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường chiếm tới 15% giá xăng dầu trong nước và tổng các loại thuế phí chiếm 42%. Thận trọng đặt chỉ tiêu Dù các dự báo đều đánh giá mức độ ảnh hưởng không lớn, song những biến động của giá nguyên liệu vẫn là yếu tố khó lường, tác động lớn tới giá cước vận tải, khiến nhiều DN phải thận trọng hơn trong việc đặt các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2022. Điển hình như tại Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, ban lãnh đạo công ty dự báo sản lượng tiêu thụ trong nước có thể tăng nhẹ trong năm 2022 do nhu cầu hồi phục. Mặt bằng giá thép được dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 do nhiều dự án bất động sản sẽ được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 do dịch bệnh. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu thép được dự báo sẽ chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu, giá thép sẽ được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm. Do đó, giá HRC dự báo giảm 11,5%; các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong năm 2022 như với năm 2021, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có khả năng giảm từ mức cao trong năm 2022. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ tiêng của Hoa Sen mà còn tác động mạnh đến hầu hết các DN cùng ngành. Theo đó, trong niên độ tài chính 2021-2022, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 2 triệu tấn, doanh thu đạt 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 1.500 – 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào. Cả ba chỉ tiêu này đều thấp hơn so với kết quả đạt được trong năm 2021, mức giảm lần lượt là 11% đối với sản lượng tiêu thụ, 5% đối với doanh thu và giảm từ 42-65% đối với chỉ tiêu lợi nhuận. Hoạt động trong lĩnh vực vận tải nên giá nhiên liệu có tác động rất lớn tới tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVT). Trước những diễn biến khó lường của giá xăng dầu, PVT đã đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022 cùng giảm mạnh so với năm 2021. Cụ thể, doanh thu dự kiến giảm 12%, ở mức 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 43%, ở mức 600 tỷ đồng. Tại Công ty CP An Tiến Industries, kế hoạch doanh thu năm 2022 dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 9% so với kết quả đạt được năm 2021, tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 6%, xuống mức 97 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo DN này, ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu 80-90% nguyên liệu đầu vào để phục sản xuất, nguyên liệu chiếm 75-80% giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá nhập khẩu nguyên liệu nhựa phụ thuộc rất lớn vào giá dầu, khí thiên nhiên, than đá trên thế giới. Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi (BSQ), DN này đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2022 ở mức 1.857 tỷ đồng, tăng mạnh 56% so với năm 2021, song chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 37%, xuống mức gần 100 tỷ đồng. Theo HĐQT BSQ, các chỉ tiêu này có thể tăng hoặc giảm, phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ở trong nước và thế giới; sự phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam, của thị trường bia và khả năng tiêu thụ thực tế của các công ty thương mại khu vực. Đặc biệt là ảnh hưởng do lạm phát của kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến không đủ nguyên liệu cho sản xuất. Hầu hết năm 2022, giá nguyên nhiên vật liệu, đặc biệt nguyên vật liệu nhập ngoại tăng giá rất cao sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. |