Bắt đầu câu chuyện với nụ cười thật tươi, cô giáo sinh năm 1988 kể, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Huế, năm 2011, cô được bố trí nhiệm sở ở Trường THPT A Lưới. 12 năm đứng lớp, cô luôn trân quý nghề và yêu quý học trò của mình. Đa số đều thuộc diện nghèo, cận nghèo, lại ở các xã xa xôi, gần biên giới nên nhiều em đi học một buổi, còn phải ở nhà để lên nương rẫy, phụ giúp bố mẹ. Có những ngày mưa gió, các em đến trường chỉ với một manh áo mỏng, phải nhịn bữa ăn sáng khiến sức khỏe không được đảm bảo. Thậm chí, nhiều em đường từ nhà đến trường rất xa, đường lại khó đi nên đến được trường thì quần áo lấm lem bùn đất. Nhớ lại những năm trước, có những ngày đến lớp, bạn buồn cô cũng chẳng vui khi lớp học cứ thưa dần. Thế nên, ngoài thời gian lên lớp, cô giáo Khánh Hòa lại đến từng nhà vận động học sinh trở lại trường. Cô Hòa kể, có năm trong lớp cô chủ nhiệm, có một bạn học rất tốt nhưng thường xuyên vắng học. Em là người đồng bào dân tộc thiểu số, ở tận thôn A Bã, xã Nhâm, muốn đến được nơi đó phải vượt qua nhiều con dốc nhưng cô vẫn đến tận nhà để tìm hiểu sự tình. Biết học trò nghỉ học vì hoàn cảnh quá khó khăn, cô giáo Khánh Hòa đã kết nối với Hội Chữ thập đỏ của trường mua tặng em một chiếc xe đạp, nhờ đó mà con đường đến trường của em gần hơn. Cứ thế, nhiều chương trình thiết thực, có ý nghĩa lần lượt ra đời, như: "Tiếp sức đến trường", "Triệu túi an sinh", "Mỗi ngày Chủ nhật là một sự san sẻ yêu thương"… đã giúp đỡ, động viên và tiếp sức cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường. Có đến 70% học sinh của Trường THPT A Lưới là người dân tộc thiểu số. Khó khăn của các em là nói và nghe tiếng phổ thông còn hạn chế. Không ít em tiếp thu bài chậm nên nản học, dẫn đến bỏ học. Thế nên, trong lúc lên lớp, cô Khánh Hòa kiên nhẫn giảng dạy nhiều lần, nói chậm để các em hiểu bài hơn. Cô tạo mọi điều kiện để các em có thể phát huy khả năng, đồng thời áp dụng những phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả cao trong dạy học. Cô Hòa còn tích cực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học đoạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh với đề tài: “Nâng cao ý thức tự học chữ viết dân tộc mình cho các bạn học sinh dân tộc Pa Cô ở Trường THPT A Lưới; đoạt giải Nhì cấp tỉnh với đề tài: “Bảo tồn và phát triển nghề dệt dèng hướng đến phát triển du lịch về nguồn ở huyện A Lưới”... Biết rõ hạn chế của học sinh là còn thiếu kỹ năng sống, hay rụt rè, mặc cảm nên cô cùng các tổ chức Đoàn, Hội trong trường tổ chức các buổi sinh hoạt chi đoàn, các cuộc thi giúp các em tự tin bày tỏ chính kiến và trau dồi tiếng phổ thông tốt hơn. Cô Khánh Hòa cũng thành lập các câu lạc bộ âm nhạc gắn với bản sắc văn hóa đồng bào; các câu lạc bộ học tập, sáng tạo trẻ… lồng ghép nhiều kỹ năng, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ, tổ chức các cuộc thi giới thiệu, quảng bá về quê hương A Lưới, như “A Lưới hot check-in”, “Cuộc thi nét đẹp văn hóa A Lưới qua lăng kính thanh niên”… giúp học sinh hiểu và yêu hơn về văn hóa bản sắc dân tộc mình. Cô giáo Khánh Hòa vinh dự nhận được nhiều phần thưởng, như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong năm học 2021 - 2022. Ngoài ra, cô Hòa còn có sản phẩm tham gia Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử cấp Bộ và được chọn đăng lên kho học liệu số của Bộ Giáo dục và đào tạo. Cô giáo Hòa được vinh danh là 1 trong 68 giáo viên tiêu biểu toàn quốc trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022” do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới cho biết: “Cô Khánh Hòa có chuyên môn tốt, nhiệt tình và năng nổ với công tác Đoàn, là người phát động rất nhiều cuộc thi cho các em tham gia. Với những hoạt động của cô giáo Khánh Hòa đã phát triển rất nhiều kỹ năng sống cho học sinh, tạo ra sức lan tỏa đến với các giáo viên và học sinh trong trường. Học sinh học tốt hơn khi được cô quan tâm, động viên đúng lúc, kịp thời". |