【kết quả việt nam hôm qua】Kinh tế biển phải gắn liền với an ninh quốc phòng
(CMO) Tiếp tục chương trình làm việc của đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Cà Mau, sáng 23/3, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội chủ trì buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Cà Mau về thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh.
Cà Mau có vị trí đặc biệt thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, với 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254 km, ngư trường rộng trên 80.000 km2. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh gần 300.000 ha, chiếm trên 42% diện tích nuôi trồng của vùng ĐBSCL và gần 30% diện tích cả nước.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau. |
Riêng con tôm, Cà Mau có diện tích trên 278.000 ha, gồm các loại hình từ nuôi quảng canh truyền thống đến hiện đại. Cà Mau là địa phương đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm, tổng kim ngạch các mặt hàng thuỷ hải sản trong 5 năm (2011-2015) đạt 5,37 tỷ USD. Tổng số lao động liên quan đến lĩnh vực này vào khoảng 350.000 người (khoảng 60% lao động trong độ tuổi của Cà Mau). Tổng giá trị của lĩnh vực kinh tế thuỷ sản ước khoảng 80% trong cơ cấu ngư-nông-lâm nghiệp.
Thời gian qua, Cà Mau đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tập trung vào các khu cửa biển, xây dựng hạ tầng gắn với phát triển các dịch vụ hậu cần nghề biển. Hỗ trợ ngư dân tiếp cận vốn, yên tâm vươn khơi bám biển. Toàn tỉnh có hơn 4.500 tàu cá, trong đó có 1.960 tàu khai thác xa bờ, sản lượng bình quân đạt 176.000 tấn/năm. Cà Mau đã và đang đầu tư 2 cảng cá; 4 khu neo đậu, tránh trú bão; 1 bến tàu tại đảo Hòn Khoai. Hiện tỉnh có 28 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản với tổng công suất khoảng 205.000 tấn/năm, mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc…
Việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản được triển khai kịp thời, đồng bộ. Theo đó, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tỉnh đã phê duyệt danh sách vay vốn đóng mới cho 89 tàu và nâng cấp 9 tàu. Các ngân hàng thương mại ký 29 hợp đồng tín dụng với tổng giá trị 330 tỷ đồng. Đã phê duyệt 921 tàu đủ điều kiện thụ hưởng chính sách bảo hiểm, kinh phí hỗ trợ 7,7 tỷ đồng...
Cà Mau đẩy mạnh việc xây dựng khu kinh tế quốc phòng trên biển đảo quanh khu vực cụm đảo Hòn Khoai. Các khu vực phòng thủ, thực hiện phòng thủ dân sự đối với các địa phương ven biển. Tích cực xây dựng các lực lượng trên biển để bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho hay, hạ tầng nghề biển của Cà Mau chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển. Chất lượng khai thác và quy hoạch khai thác chưa tốt. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ hải sản. Cà Mau cần cơ chế, sự hỗ trợ để hiện đại nhanh nghề cá; đầu tư mạnh mẽ và đồng bộ hạ tầng nghề cá; có chính sách, chế độ phù hợp với ngư dân, đặc biệt là ở những cụm đảo có vị trí chiến lược. Gắn việc phát triển kinh tế biển với công tác bảo đảm an ninh quốc phòng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, vấn đề thuỷ lợi và tình hình biến đổi khí hậu đặt ra rất nhiều khó khăn cho tỉnh. Cà Mau tiếp tục mời gọi đầu tư, có chính sách cởi mở hơn để phục vụ phát triển kinh tế biển. Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất: “Quốc hội và Trung ương cần quan tâm đầu tư những dự án lớn, đặc biệt liên quan đến việc khắc phục và hạn chế các hiện tượng biến đổi khí hậu ở vùng cửa biển và ven biển”.
Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Cà Mau là một địa phương giàu tiềm năng kinh tế biển, phải tận dụng các điều kiện để phát triển thế mạnh này. Cần theo dõi và nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, người nuôi trồng thuỷ hải sản để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Thời gian tới, Cà Mau cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn để phát triển kinh tế biển. Lưu ý về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng an ninh. Làm sao để cán bộ, đảng viên, Nhân dân ý thức được tầm quan trọng to lớn của kinh tế biển, chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc. Nhanh chóng tổ chức lại sản xuất trên biển đảo, vươn khơi khai thác xa bờ, hạn chế các phương pháp đánh bắt tận diệt”.
Quốc Rin