Đã có sự dịch chuyển hàng hóa
Theo phân tích của lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, tổng sản lượng khai thác của cụm cảng biển TPHCM đạt hơn 7 triệu TEU và hơn 120 triệu tấn hàng hóa, đứng thứ 25/100 cảng biển lớn nhất thế giới, mức tăng trưởng đạt trung bình 8%/năm. Tuy nhiên, thị phần khai thác hàng hoá cảng biển của Thành phố có xu hướng giảm so với các địa phương miền Đông Nam Bộ. Năm 2010, thị phần khai thác container của Thành phố tại phía Nam chiếm 90%, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 58%. Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng thị phần khai thác cảng từ 7% năm 2010 lên đến 36% vào năm 2020. Đồng Nai và Bình Dương tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, việc khai thác hàng hoá tại các cảng trên địa bàn TPHCM đang xảy ra hiện tượng bất cân xứng, cụ thể sản lượng khai thác hàng hoá tại Tân cảng Sài Gòn tăng rất mạnh, trung bình 16%/năm, các hệ thống cảng khác có dấu hiệu giảm dần từ năm 2015. Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đặt câu hỏi, trung tâm logistics đang dịch chuyển, vậy TPHCM ở đâu trong sự dịch chuyển này? Đây là câu chuyện Thành phố cần quan tâm, vì phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố không thể thiếu vai trò của ngành logistics. Sự đóng góp của các doanh nghiệp logistics đóng vai trò rất quan trọng. Việc thiếu hạ tầng kỹ thuật kết nối, hoạt động đơn lẻ là điểm nghẽn khiến hệ thống cảng biển Thành phố không phát huy được tối đa lợi thế về vị trí địa lý và năng lực khai thác. Tỷ trọng khai thác hàng hoá ở các cảng bất cân xứng, tập trung chủ yếu ở cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu (82%), các bến cảng còn lại chiếm tỷ trọng thấp, không đạt công suất thiết kế, ví dụ cảng Hiệp Phước, SP-ITC, VICT chỉ đạt khoảng 20-30% công suất thiết kế, lãng phí nguồn lực đầu tư. Từ thực tế này, Cục Hải quan TPHCM đề nghị TPHCM quyết tâm phát triển cụm cảng Hiệp Phước, liên kết vùng, tận dụng các FTA, duy trì hệ thống pháp luật, tài khóa hiệu quả, có chính sách để các doanh nghiệp logistics mạnh dạn đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Hạ tầng yếu và thiếu Theo các chuyên gia, hiện nay chí phí logistics vẫn còn ở mức cao. Chi phí cho vận tải đường bộ chiếm phần lớn trong chi phí logistics, trong khi các tuyến đường bộ dẫn vào các cảng không đảm bảo tiêu chuẩn, độc đạo, chung với luồng di chuyển dân sự dẫn đến quá tải, ùn tắc giao thông. Theo kết quả khảo sát, thống kê của Cục Hải quan TPHCM và USAID Hoa Kỳ, trung bình có khoảng 16.400 đến 22.000 lượt xe ô tô/ngày lưu thông qua khu bến cảng Cát Lái, đặc biệt có thể lên đến 26.000 lượt xe/ngày. 16.400 xe tải xếp hàng tương đương 327km chiều dài đường bộ, ngoài ra, xe lưu thông vào cảng phải xếp hàng từ 2-3 giờ trước khi đến cổng cảng, gây tình trạng ách tắc giao thông xung quanh. Theo tính toán, việc ùn tắc giao thông gây lãng phí khoảng 160 triệu giờ/năm, thiệt hại về kinh tế khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Về hạ tầng kho, bãi, cảng, đa số các cụm kho dịch vụ lớn của các doanh nghiệp logistics thứ 3 tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương. Tại TPHCM có khoảng 1.500 kho, chủ yếu là các kho có diện tích nhỏ, chưa có hệ thống kho lưu trữ, kho lạnh quy mô lớn và trung tâm logistics tương xứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và thương mại điện tử. Liên quan đến vấn đề kho bãi, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng, thực sự vấn đề kho bãi, nhất là kho lạnh hiện nay rất thiếu, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp, trong đó khoảng 54% số lượng hoạt động tại TPHCM. Nhìn chung doanh nghiệp dịch vụ logistics của Thành phố có quy mô nhỏ, vừa, liên kết rời rạc, gặp khó khăn về vốn, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin. Khoảng 80% DN logistics TPHCM có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng. Năng lực doanh nghiệp dịch vụ logistics TPHCM còn yếu, chủ yếu hoạt động nội địa, cung cấp dịch vụ logistics giản đơn, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp cung cấp logistics tích hợp 3PL, 4PL của nước ngoài, yếu kém trong lĩnh vực vận tải hàng không, vận tải đường biển quốc tế. Chi phí logistics của TPHCM vẫn còn ở mức cao, chi phí vận tải nội địa chiếm phần nhiều. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thuỷ sản có chi phí logistics chiếm từ 25 – 30% tổng chi phí. Các ngành hàng khác ghi nhận dưới mức 10% tổng chi phí. Trong cơ cấu chi phí logistics, chi phí đường bộ chiếm tỷ trọng rất lớn, từ 30-50% đối với hàng nông sản, thuỷ hải sản; 60% đối với hàng may mặc, gỗ; 70-75% đối với linh kiện điện tử, máy móc thiết bị. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, logistics bán lẻ tại Việt Nam thực chất còn thấp, chưa áp dụng được tự động hóa; thiếu tính chuyên môn hóa; chưa có tập trung hóa mức độ cao; chưa kết hợp chuỗi cung ứng và công nghệ, đa chiều. Chính vì thế, để kéo giảm chi phí phí không chỉ phát triển logistics riêng lẻ, mà phải đặt logistics trong giá trị gia tăng của chuỗi cung ứng mới có thể kéo giảm được chi phí. |