Mỗi mùa xuân đến đánh dấu sự trưởng thành của ngành y tế tỉnh nhà,ổlựcvượtkhđểphụcvụty le keo de những y, bác sĩ trẻ ngày nào nay đã vững chuyên môn, ý thức trách nhiệm cao hơn, bám cơ sở phục vụ.
Xuyên suốt 20 năm, có một điều không đổi là mỗi dịp “Tết đến xuân về”, y, bác sĩ vẫn luôn túc trực đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân, để niềm vui mỗi gia đình luôn trọn vẹn, đó là sự hy sinh thầm lặng đáng trân trọng.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Văn Hải, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, đã bám cơ sở để phục vụ từ khi mới vào nghề y đến nay.
Kết quả đáng mơ ước từ một trạm y tế cơ sở điển hình
Tôi đã không ít lần trở lại Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, nhưng mỗi lần gặp gỡ các y, bác sĩ ở đây, chứng kiến mọi người khám, chữa bệnh cho người dân tôi cảm nhận được niềm tin đối với chất lượng phục vụ của trạm y tế này. Anh Nguyễn Văn Chinh, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, đến khám bệnh tại Trạm Y tế Vĩnh Thuận Tây, bộc bạch: “Nhà tôi ở xã Vĩnh Thuận Đông, nhưng thấy Trạm Y tế Vĩnh Thuận Tây khám bệnh hiệu quả nên hễ trong nhà có vấn đề gì về sức khỏe là đến đây khám, vợ con tôi trước đây nhiều lần khám ở trạm y tế này”.
Để có được niềm tin của người dân là kết quả của cả quá trình cố gắng, nỗ lực của cả tập thể nhân viên trạm y tế. Bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Văn Hải, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây, còn nhớ: “Mấy năm đầu khi mới thành lập tỉnh, số lượng khám, chữa bệnh mỗi ngày không được như bây giờ, ngày chỉ khoảng 10 bệnh nhân. Năm 2004 cũng là năm tôi được đi đào tạo từ y sĩ lên đại học. Năm 2012-2014 được tiếp tục học nâng cao chuyên môn chuyên khoa 1”. Dù công tác ở trạm y tế, nhưng bác sĩ Hải luôn suy nghĩ nâng cao chuyên môn sẽ góp sức chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân quê nhà.
Ông Hải khẳng định: “Lãnh đạo tỉnh, ngành rất quan tâm tạo điều kiện cho nhân viên y tế đi đào tạo. Sau 20 năm tôi từ một y sĩ còn non trẻ tuổi nghề, nay có bằng bác sĩ chuyên khoa 1, vững tin khi khám, chữa bệnh cho người dân. Với kiến thức, kinh nghiệm có được, tôi luôn chia sẻ, hướng dẫn, cầm tay, chỉ việc, động viên tinh thần trách nhiệm của các nhân viên y tế khác ở trạm cùng phục vụ người bệnh”.
Trạm Y tế xã Vĩnh Thuận Tây là một trong các cơ sở trạm y tế được đánh giá hoạt động hiệu quả của tỉnh. Trung bình mỗi ngày thu hút từ 30-40 lượt khám, chữa bệnh, trong năm 2023, trạm y tế thực hiện chỉ tiêu khám, chữa bệnh đạt tỷ lệ 120% so với chỉ tiêu giao. Đây là kết quả mơ ước của nhiều trạm y tế khác.
Ông Trần Tôn Thái (thứ 2 từ phải sang), Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cùng nhóm nghiên cứu nhận giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2023.
Níu chân nhân lực ngành y
Với những y, bác sĩ sản khoa, mỗi ca sinh nở “Mẹ tròn con vuông” là niềm vui lớn, mỗi bà mẹ “vượt cạn” thành công ai cũng hân hoan trong dạ.
Bác sĩ Nguyễn Việt Kịch, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, cùng tập thể y, bác sĩ khoa chia sẻ, cứ thấy một bé chào đời, càng cảm thấy công việc của mình là rất có ý nghĩa, thôi thúc tình yêu nghề và cống hiến, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ bản thân.
Bác sĩ Kịch mới ra trường và về làm việc ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy khi thành lập tỉnh, từ bác sĩ mới ra trường còn bỡ ngỡ bước vào nghề y, nay đã được đào tạo chuyên khoa 2 về sản khoa. Bác sĩ Kịch tâm sự: “Với những bác sĩ có chuyên khoa sau đại học, đều có cơ hội việc làm rất tốt và hầu hết có thể tìm chỗ công tác khác thu nhập cao hơn, nhưng trong cuộc sống còn có cái tình, cái nghĩa, mình được đào tạo và trưởng thành ở đây thì cần phục vụ để đáp nghĩa lại với quê hương”.
Khi bước vào nghề y, các y, bác sĩ đều hiểu nghề y là nghề đặc biệt, luôn đòi hỏi phải trau dồi chuyên môn liên tục, cống hiến hết mình mới bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Bác sĩ Trần Tôn Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, khẳng định: “Được đào tạo sau đại học là có trình độ cao, nhưng đối với ngành y cần có nhân lực chất lượng cao. Nhân lực y tế bệnh viện đa số đã có trình độ cao, chúng tôi sẽ quan tâm tạo điều kiện để đào tạo kỹ thuật mới để có những bác sĩ chất lượng cao. Các cơ sở y tế luôn quan tâm tạo điều kiện cho y, bác sĩ học tập nâng cao chuyên môn, song mỗi nhân viên y tế cần phục vụ hết mình cho bệnh nhân ở tỉnh”.
Bác sĩ Thái không chỉ luôn học tập nâng cao chuyên môn mà còn có nhiều sáng kiến được đánh giá cao đem lại hiệu quả tích cực trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Trước thềm năm mới, bác sĩ Thái vừa cùng nhóm nghiên cứu của mình vinh dự nhận về giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang năm 2023 với sáng kiến Hệ thống phun khí dung bằng máy bơm nén khí. Đây không phải lần đầu tiên bác sĩ Thái tham gia các nhóm nghiên cứu và đoạt giải.
Nghề y là một nghề đặc biệt, công việc của y, bác sĩ là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng người dân, nên công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế luôn được quan tâm đúng mức, nhằm đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và cả y đức.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế đã được nâng lên đáng kể 20 năm qua.
Đã có 9,32 bác sĩ/10.000 dân
Qua 20 năm, ngành y tế tỉnh có bước phát triển về nhân lực. Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, nhớ lại: “Năm 2004, toàn ngành có 1.441 cán bộ, nhân viên y tế, trình độ sau đại học khá khiêm tốn. Việc đào tạo nguồn nhân lực y tế luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung và xuyên suốt của ngành và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Hàng năm, đều cử đào tạo, bồi dưỡng với cả hình thức liên thông và chính quy”.
Tại tỉnh, số lượng nhân lực y tế và chất lượng y tế đã tăng lên nhanh chóng trong hai mươi năm qua. Hiện nay, nguồn nhân lực y tế tăng lên 2.902 người, tăng 201%. Nhân lực có trình độ đại học hiện đạt 1.587 người, chiếm 54,86%. Nhờ tăng cường đào tạo liên thông y sĩ lên bác sĩ nâng tỷ lệ xã có bác sĩ cơ hữu và luân phiên bác sĩ về trạm y tế đạt 100% trạm y tế. Nâng tỷ lệ bác sĩ từ 2,71 lên 9,32 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ dược sĩ từ 0,1 lên 2,5 dược sĩ/10.000 dân và 21 điều dưỡng lên 30 điều dưỡng/10.000 dân.
Tuy nhiên, thách thức trong phát triển nguồn nhân lực y tế đòi hỏi phải có chính sách tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ thích hợp. Ông Giang nhấn mạnh: “Ngành y tế sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế, đặc biệt là các chuyên khoa sâu như: y học dự phòng, pháp y, giải phẫu bệnh, lao, phong, tâm thần, da liễu, phục hồi chức năng, răng hàm mặt - mắt - tai mũi họng. Chú trọng từ các nguồn nhân lực thu hút bác sĩ mới ra trường từ các ngành hiếm trên. Tăng cường đào tạo các bác sĩ hiện đang công tác đi học chuyên khoa I, II, thạc sĩ, tiến sĩ để có chuyên khoa sâu về các lĩnh vực đáp ứng nhu cầu hiện nay”.
Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng là mấu chốt quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh cung ứng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu y tế đang ngày một cao hơn của người dân, đặc biệt là nguy cơ xuất hiện dịch bệnh mới và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, già hóa dân số như hiện nay.
Tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã đã tăng từ dưới 50% vào năm 2004 lên 78% hiện nay với tổng số kỹ thuật thực hiện được là 13.523/17.216 danh mục kỹ thuật. Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật năm 2004 đạt 50%, hiện đạt 81,9% theo quy định của Bộ Y tế. |
HỒNG DIỄM