Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới,ỗlựchỗtrợthựchiệntiuchmitrườltd europa league tiêu chí 17 về môi trường được đánh giá là tiêu chí rất khó thực hiện, nhưng với sự cố gắng hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, sự linh hoạt vận dụng nhiều giải pháp phù hợp của từng địa phương đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức của người dân, giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn.
Từ khi có hố đốt rác, việc xử lý rác thải sinh hoạt của bà Lưu Thị Út, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, trở nên dễ dàng hơn.
Góp phần giải quyết rác thải sinh hoạt
Có dịp về lại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, không những đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, mà trong sinh hoạt hàng ngày, người dân đã có ý thức phân loại rác thải, những loại rác hữu cơ được dùng để ủ phân, làm phân bón trồng rau màu, những loại rác không ủ phân được thì có hố chôn tại hộ gia đình hoặc mang đi tiêu hủy, tránh tình trạng vứt rác bừa bãi. Khác với trước, thời gian gần đây, mỗi khi đi chợ về, sau khi cất đặt thức ăn, bà Lưu Thị Út, ở ấp 8, xã Thuận Hưng, lại phân loại rác thải. Những gì có thể tái chế được thì tập hợp đem bán, chất thải rắn được tập trung vào hố chứa rác để đưa vào lò đốt của gia đình để đốt. Bà Út chia sẻ: “Từ khi có hố đốt, gia đình tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn, không phải vứt lung tung hoặc đốt bừa bãi như trước. Những loại rác có thể dùng làm phân thì mang bỏ vào hầm ủ phân để bón cây, còn những loại không sử dụng được thì mang bỏ vào hố rác của gia đình để thiêu hủy. Như vậy vừa giữ gìn được vệ sinh môi trường, vừa tận dụng rác để trồng hoa màu. Hơn nữa, rác thải được đốt thường xuyên nên không bị ứ đọng. Trong nhà lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ”.
Không chỉ giải quyết được rác sinh hoạt tại hộ gia đình, mà từ khi được hỗ trợ lắp đặt lò đốt rác, Trường Tiểu học Thuận Hưng 1 đã giải quyết được lượng rác tồn đọng trong khu vực trường do chưa có xe đến thu gom. Thầy Trần Văn Huấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Hưng 1, cho biết: “Trước đây, rác thải sinh hoạt của trường cũng được xử lý bằng cách thiêu đốt. Chính vì đốt lộ thiên nên không tránh khỏi tình trạng bụi, khói phát tán ra môi trường bên ngoài. Nhưng từ khi được hỗ trợ lắp đặt lò đốt, rác thải được xử lý triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm hẳn do rác được đốt đến đâu hết đến đó. Hơn nữa, lượng khói thải ra ngoài không khí ít nên không ảnh hưởng đến sức khỏe những người xung quanh”.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trên cơ sở chương trình, nghị quyết và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo, có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tiêu chí 17 môi trường bằng những kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực. Đồng thời, hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra và hướng dẫn các xã thực hiện, nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới đối với những xã đã đạt tiêu chí môi trường, thường xuyên liên hệ với các địa phương để kịp thời giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thông qua việc tuyên truyền về chiều rộng và chiều sâu, kết hợp với tuyên truyền trực quan và lồng ghép với các cuộc họp tổ, họp nhóm của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Trong hơn 5 năm qua, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, cụ thể hóa tiêu chí môi trường thành những việc làm cụ thể để thực hiện. Qua đó, từng hộ gia đình có sự thay đổi nhận thức và hành vi, thực hiện ngày càng tốt hơn việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa phương.
Ngoài việc hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến tiêu chí môi trường, sở cũng đã hỗ trợ các địa phương từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện các tiêu chí cứng trong tiêu chí môi trường như: xây dựng lò đốt rác trường học, hố đốt rác hộ gia đình, hệ thống xử lý nước thải một số trạm y tế xã, điểm thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, hỗ trợ cây xanh tạo cảnh quan môi trường,…
Từ những kết quả đạt được, ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hậu Giang, cho biết: “Để giúp các địa phương thực hiện đạt tiêu chí môi trường, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tập trung, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các phòng tài nguyên và môi trường huyện, thị và thành phố về triển khai nội dung hướng dẫn thực hiện tiêu chí 17 (môi trường), kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ hoạt động trên địa bàn các xã về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp xây dựng các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn, góp phần cho địa phương thực hiện hoàn thành tiêu chí 17”…
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, qua 5 năm (giai đoạn 2011-2015), toàn tỉnh đã có 19 xã (trong đó có 11 xã điểm của tỉnh) thực hiện hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới. Đối với những xã được công nhận trong những năm trước, các địa phương đều có kế hoạch nâng chất tốt, chưa có trường hợp xã không được tái công nhận trong thời gian qua. |
Bài, ảnh: THANH THÚY