Thành lập vào tháng 9/2014, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (HTX), thuộc ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, hoạt động ngày càng hiệu quả, các thành viên ngày càng có thu nhập cao.Thành lập vào tháng 9/2014, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (HTX) thuộc ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, hoạt động ngày càng hiệu quả, các thành viên ngày càng có thu nhập cao. Vào những ngày đầu thành lập, HTX loay hoay với việc vận động hộ nông dân tham gia, rồi tìm đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho thành viên, trong khi HTX chỉ được xã Khánh Bình Tây Bắc hỗ trợ 1 triệu đồng, nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, bám sát thời cơ, nên sau gần 2 năm đi vào hoạt động, số lượng thành viên không ngừng tăng qua từng năm. Nếu ban đầu thành lập chỉ có 27 thành viên tham gia, góp vốn được 139 triệu đồng, đến năm 2015 tăng lên có 37 thành viên, với số vốn góp được 150 triệu đồng. Ðầu năm 2016, HTX đã có 47 thành viên, góp vốn 200 triệu đồng, với diện tích sản xuất khoảng 100 ha.
Ông Nguyễn Trường Ðời, Giám đốc HTX, kể: “Bà con mình thường bị thương lái ép giá, lúa bán được thì bị neo tiền, rồi các đại lý bán phân, thuốc bảo vệ thực vật, bán hàng chênh lệch giá. Vì vậy tôi đã vận động anh em trong dòng họ tập hợp lại nhau đi lấy phân, thuốc tập thể cho rẻ. Thấy cách này được nên tôi bàn với đồng chí bí thư chi bộ ấp và mấy anh em ở gần nhà thành lập HTX. Ðược xã đồng ý, tôi tới các công ty xuất khẩu hàng nông sản tỉnh Cà Mau ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Khi ký được hợp đồng, HTX bán được 500 tấn lúa". Tuy nhiên, do mới làm ăn với công ty, doanh nghiệp, thành viên HTX chưa quen nên lúa tốt thì bán cho thương lái ngoài, lúa xấu bán cho công ty, sau này mới quen dần, giờ thành viên của hợp tác yên tâm với đầu ra lúa thương phẩm của mình. Trước đây do chưa nắm bắt được thị trường nên HTX chỉ sử dụng loại giống 5451 năng suất không cao. Sau này chọn giống RVT, thích nghi với vùng đất nơi đây, năng suất đạt từ 7-8 tấn/ha. Ðợt hạn vừa rồi, lúa của bà con trong vùng bị thiệt hại nặng, riêng các thành viên hợp tác chủ động trong sản xuất nên đảm bảo được diện tích xuống giống và năng suất thu hoạch. Những năm qua, mỗi vụ lúa HTX thu về lợi nhuận 20 triệu đồng. Ðầu năm 2016, nhiều hộ dân thấy HTX làm ăn có hiệu quả và lợi ích của thành viên đặt hàng đầu nên nhiều hộ đã tự nguyện xin đăng ký tham gia. HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Cơ cấu tổ chức của HTX gồm: 1 chủ tịch hội đồng quản trị, 1 giám đốc và 1 kiểm soát viên. HTX đang đào tạo kế toán và thủ quỹ, hiện nay kế toán và thủ quỹ được UBND xã Khánh Bình Tây Bắc cử người phụ trách. Mục tiêu HTX hướng tới là vì lợi ích cho các thành viên. Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa, đồng loạt xuống giống, giảm chi phí trong sản xuất. Các thành viên không phải chạy đôn chạy đáo để kiếm máy cày, máy cắt vì được HTX ký hợp đồng cho thành viên trong các khâu làm đất, thu hoạch lúa. Ðầu ra sản phẩm ổn định vì được các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và giá lại cao hơn từ 100-200 đồng/kg lúa thương phẩm. Các loại phân, thuốc, HTX cung ứng giá thấp hơn ở các đại lý từ 5.000-10.000 đồng. Các thành viên của HTX chỉ sử dụng giống lúa RVT, đây là giống lúa ít bị nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao, hạt gạo thơm ngon, hiện trà lúa của các thành viên HTX đang phát triển tốt. Anh Ðàm Văn Phiên là người đầu tiên tham gia HTX, với diện tích 1,5 ha làm lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ. Trước khi tham gia HTX, anh sản xuất lúa đạt từ 16-17 tấn/năm, khi vào HTX sử dụng giống RVT năng suất lúa tăng thêm từ 2-2,5 tấn/năm. Anh Phiên nói: “Giống lúa, phân thuốc mình không cần lo vì có hợp tác xã cung cấp mà giá lại rẻ hơn các đại lý bên ngoài, rồi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học. Lúa mình làm ra được bao tiêu sản phẩm, không bị cò ép giá, máy cày, máy cắt cũng không cần phải lo”. Vì không biết HTX làm ăn như thế nào, nên khi mới thành lập anh Trần Hoàng Kha ngại không tham gia. Nhưng qua thời gian hoạt động hiệu quả, anh Kha đã tự nguyện viết đơn xin vào. Anh Kha bộc bạch: “Ban đầu tôi không muốn tham gia vì đã có nhiều hợp tác xã làm ăn cũng chẳng hiệu quả gì, thành lập rồi ngưng hoạt động. Nhưng HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, tôi thấy có nhiều cái lợi cho thành viên như: sạ lúa cùng lúc nên giảm chi phí sản xuất, giống lúa HTX cung cấp thì giống tốt... Người nông dân như chúng tôi nếu thấy có lợi là sẽ tham gia ngay, nhất là khi sản phẩm mình làm ra được bao tiêu, giá lại cao so với bên ngoài. Mặt khác, phân thuốc được vận chuyển đến nhà mà giá lại thấp hơn so với các điểm mua bán khác, quan trọng hơn, tôi thấy là các thành viên HTX luôn đoàn kết”. Hằng năm, HTX bán cho các công ty, doanh nghiệp hơn 1.000 tấn lúa thương phẩm. Ngoài việc đảm bảo lợi ích cho các thành viên, yếu tố đặt lên hàng đầu của HTX là tạo được uy tín cho công ty, doanh nghiệp và lòng tin cho các thành viên. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Phạm Tấn Lưu nói: “Tuy nhiên, bộ máy hoạt động của HTX hiện nay vẫn chưa đầy đủ, cần đào tạo thêm về con người. HTX cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, chỉ hoạt động với nguồn vốn nội lực của các thành viên. Hiện HTX đang mướn chỗ để làm việc và chứa vật tư nông nghiệp chứ chưa có đất để xây dựng nơi làm việc và xây dựng nhà kho. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đoàn kết, mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi các giống lúa cho năng suất cao thích nghi với vùng đất này, cũng như ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các thành viên”. Với lòng nhiệt huyết và quyết tâm của Ban Quản trị HTX sẽ là cầu nối tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giúp các thành viên sản xuất có hiệu quả, nâng cao năng suất, tăng thu nhập phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương./. Bài và ảnh: Anh Thư |