Việc đánh thuế đối với tài sản sẽ góp phần điều chỉnh hạn chế hành vi đầu cơ nhà, đất.
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản.
PV: Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó dự kiến sẽ nâng mức thuế đất ở và đánh thuế nhà ở. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?
- Ông Nguyễn Minh Phong:Đánh giá về đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó có đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở, theo tôi cần nhìn từ nhiều góc độ. Trước hết, xét theo thông lệ quốc tế có thể thấy rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đều đã xây dựng thuế tài sản trong hệ thống thuế của quốc gia. Hiện đã có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau.
Thứ hai, xét từ khía cạnh chủ trương pháp lý, cách đây cả chục năm chúng ta đã có những văn kiện của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế… đều đã đề cập đến chủ trương xây dựng thuế tài sản.
Thứ ba, căn cứ theo những quy định pháp lý hiện hành, thực chất là chúng ta đã đang thực hiện thu thuế tài sản, chỉ có điều với tên gọi khác là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, các sắc thuế này hiện mới chỉ áp dụng đối với đất, chưa có đối tượng là nhà ở. Thực hiện sắc thuế trên, người dân không phản đối và tự nguyện đóng thuế, thậm chí nhiều địa phương thực hiện đóng thuế trên rất tốt. |
Ông Nguyễn Minh Phong |
Điều quan trọng nữa là xét trong bối cảnh thực tiễn hiện nay khi Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với các cam kết về cắt giảm thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp tham gia, đã đặt ra yêu cầu cần thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước cho phù hợp.
Như vậy, xét theo nhiều góc độ như vừa phân tích ở trên, tôi cho rằng, việc đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế tài sản là đúng và cần thiết.
PV: Vậy theo đánh giá của ông, Luật Thuế tài sản nếu được ban hành sẽ có những tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội?
- Ông Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, dự án Luật Thuế tài sản nếu được xây dựng và ban hành sẽ có nhiều tác động tích cực. Trước hết, việc đánh thuế đối với tài sản, đặc biệt là bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở sẽ góp phần điều chỉnh hạn chế, hành vi đầu cơ nhà, đất, phản ánh cung – cầu thật về nhà đất trên thị trường, từ đó góp phần giảm giá nhà, đất đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng chi trả thực tế của người dân.
Bên cạnh đó, việc nâng mức thuế đất, đánh thuế nhà ở sẽ góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, luật điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Ngoài ra, việc đánh thuế này còn góp phần tăng thu ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ chi của Nhà nước; đặc biệt là có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai.
PV: Đề xuất xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, trong đó có đối tượng chịu thuế là nhà ở, đất ở đang được cơ quan soạn thảo công khai tham vấn ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận. Từ góc độ là một chuyên gia kinh tế, ông có kiến nghị, đề xuất gì đóng góp cho dự thảo luật không?
- Ông Nguyễn Minh Phong: Trước hết, tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị của Bộ Tài chính khi đã thực hiện tham vấn ý kiến rộng rãi của dư luận, cũng như sẽ lắng nghe, tiếp thu, phân tích những ý kiến góp ý của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, cá nhân, tổ chức..., đóng góp cho việc đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản. Điều này là rất cần thiết để đảm bảo một chính sách nếu được ban hành sẽ tạo được sự đồng thuận rộng rãi của xã hội, cũng như nâng cao hiệu quả của việc thực thi chính sách đó khi được xây dựng và ban hành.
Liên quan đến đóng góp cho dự thảo luật này, theo quan điểm của tôi, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung thêm những hệ số trượt về mức khấu hao nhà sau mỗi giai đoạn để làm cơ sở tính thuế. Đồng thời, đưa ra phương án bổ sung để điều chỉnh nâng mức ngưỡng sàn tính thuế cho những trường hợp nâng giá đất, mức lạm phát mỗi năm…
Bên cạnh đó, việc thực hiện thu thuế tài sản nếu được cho phép cần phải thực hiện đồng bộ với việc cơ cấu các chính sách tài chính khác để nâng cao hiệu quả của quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước, từ đó tăng sự minh bạch, hiệu quả của việc thu - chi ngân sách. Đặc biệt, cơ quan quản lý cần tăng cường những biện pháp, chế tài mạnh để ngăn chặn, hạn chế tình trạng trốn thuế, “lách” thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.
PV: Xin cảm ơn ông!Diệu Thiện (thực hiện)