Đầu tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển (Nghị định 57). Theo đó, Nghị định quy định doanh nghiệp có dự án đầu tư (mới và mở rộng), sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thực hiện trước 1/1/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản CNHT theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT. Ngay sau khi Nghị định 57 được ban hành, Tổng cục Thuế cũng đã có công điện về việc triển khai, yêu cầu các cục thuế tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định 57 nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong giai đoạn hiện nay. Cùng với Nghị định 57, nhiều chính sách ưu đãi thuế khác cho ngành CNHT đã được thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT. Trước đó, vào tháng 8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết riêng về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra là đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Theo nhận xét của Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI), chính sách hỗ trợ phát triển CNHT hiện nay đã tốt hơn các ưu đãi trước đây, nên các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi sẽ được chuyển tiếp áp dụng các ưu đãi mới có lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị định 57 mới được ban hành đã có nhiều điểm mới và thuận lợi hơn so với quy định cũ. Vì thế, VASI đánh giá, với những ưu đãi về thuế theo chính sách phát triển CNHT, các doanh nghiệp CNHT sẽ có nhiều cơ hội đầu tư phát triển thuận lợi hơn, giảm bớt áp lực về tài chính, từ đó mạnh dạn đầu tư phát triển với quy mô lớn hơn, hiện đại hơn. Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Hàn, các doanh nghiệp CNHT thường là nhỏ và rất nhỏ, khiến nhân sự, tài sản và doanh số đều nhỏ, nên gặp khó khăn trong nhiều vấn đề, nhất là về tài chính. Do đó, những chính sách hỗ trợ sẽ rất hữu ích đối với hoạt động của doanh nghiệp CNHT. Nhờ những chính sách phát triển như trên, ngành CNHT tại Việt Nam đã có những bước phát triển rất nhanh và mạnh. Theo Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo. Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt, đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính. Tuy nhiên, dù chính sách đã được đánh giá tốt, nhưng theo các chuyên gia, số lượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp CNHT nội địa tham gia vào mạng lưới sản xuất còn rất thấp. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp trong ngành tiếp cận được chính sách hỗ trợ còn khá khiêm tốn. Nói thêm về khó khăn trong việc tiếp nhận chính sách ưu đãi, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành CNHT cho hay, để nhận được ưu đãi doanh nghiệp phải có giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT do cơ quan có thẩm quyền cấp phát. Thế nhưng, việc xin xác nhận này không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được hoặc doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục, thời gian mới có thể được cấp giấy xác nhận. |